Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  2. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  3. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  4. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Thị phi
    Phải và không phải. Chỉ sự đồn đại, chê bai.

    Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
    Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  6. Có bản chép: Vẳng tai nghe tiếng đài đầu. "Đài đầu" ở đây có lẽ là đoạn đầu đài.
  7. Nghĩa sĩ
    Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
  8. Có bản chép: nghĩa liệt.
  9. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  10. Giàng
    Hay Yàng, Yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
  11. Liệt sĩ bốn người
    Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm: đội Bình, độc Cốc, đội Nhân, và cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8/7/1908.
  12. Hoàng thành Thăng Long
    Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

  13. Đòi phen
    Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").

    Trông tư bề chân trời mặt đất;
    Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen

    (Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)

  14. Săng
    Quan tài.
  15. Bài ca dao này nhắc chuyện Trang Tử - triết gia nổi tiếng Trung Quốc sống vào khoảng 365–290 trước Công Nguyên. Một hôm, Trang Tử dạo chơi, lúc đi ngang qua nghĩa địa, thấy một người đàn bà đang ngồi quạt nấm mồ còn ướt. Ông lấy làm lạ hỏi ra thì được biết người đàn bà ấy chồng chết sớm chôn tại đây. Trước lúc chết, chồng có trăng trối nếu sau này muốn tái giá hãy đợi đến khi mộ xanh cỏ. Nay có người đến hỏi, nàng muốn tái giá nhưng vì trời mưa, mộ còn ướt, nên phải quạt cho mau khô để kịp thời gian lấy chồng. Trang Tử dùng phép thuật quạt giùm mấy cái, tự nhiên mộ khô ráo, cỏ mọc xanh um. Thiếu phụ mừng rỡ, lạy tạ, tặng Trang Tử chiếc quạt rồi bỏ đi. Về nhà, ông kể lại cho vợ là Điền thị nghe, Điền thị liền xé chiếc quạt hết lời chê bai người đàn bà kia. Ông không nói gì. Mấy hôm sau đột nhiên Trang Tử lăn ra chết. Thây còn đang được quàng trong nhà. Vợ ông khóc lóc kể lể, lúc nào cũng đầm đìa nước mắt. Ðến ngày thứ hai, bỗng có một thanh niên xưng là học trò của Trang Tử ở xa đến thăm thầy, xin điếu tang và ở lại lo việc ma chay. Điền thị thấy chàng thanh niên đẹp trai, đem lòng yêu mến. Đến nửa đêm, chàng rên rỉ quằn quại kêu đau bụng dữ dội. Điền thị lo sợ, hỏi cách chạy chữa và được biết chỉ cần lấy óc người sống hoặc mới chết chưa quá trăm ngày ngâm rượu uống sẽ khỏi ngay. Thị không ngần ngại lấy búa đập quan tài định bửa sọ chồng làm thuốc cho tình nhân. Nắp quan vừa mở, bỗng thấy Trang Tử ngồi dậy, chàng thanh niên cũng biến đâu mất. Điền thị xấu hổ quá bèn tự tử chết.
  16. Két
    Còn gọi là vẹt, một loài chim có lông sặc sỡ, đặc biệt có khả năng bắt chước tiếng người nên thường được nuôi làm cảnh.

    Vẹt

    Vẹt

  17. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  18. Già kén kẹn hom
    Kén của con tằm nếu để quá lâu sẽ dính chặt vào hom (những búi rơm, rạ hoặc cây rang, cây bổi...), khó gỡ ra. Ở đây có sự chơi chữ, chữ kén trong kén tằm đồng âm với kén trong kén chọn. Từ đó, nghĩa của câu thành ngữ này là nếu quá kén chọn dễ dẫn đến quá lứa, lỡ thì.
  19. Thiên Hạt
    Tên dân gian là Thần Nông, còn gọi là chòm Bọ Cạp hoặc gọi tắt là sao Thần, một chòm sao lớn nằm ở bầu trời phía nam gần trung tâm của dải Ngân Hà. Nhà nông nước ta xưa kia xác định vụ lúa bằng cách quan sát biến đổi của chòm sao này.

    Chòm sao Thần Nông với đường nối tưởng tượng

    Chòm sao Thần Nông với đường nối tưởng tượng

  20. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  21. Cựu trào
    Triều cũ, thời cũ.
  22. Bảy Ngàn
    Nay là tên một trong bốn thị trấn của huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, Việt Nam. Địa danh Bảy Ngàn bắt nguồn từ công trình đào kênh xáng Xà No của người Pháp trước đây. Năm 1901, người Pháp khởi công đào kênh Xà No dài 34 cây số nối từ vàm xáng rạch Cần Thơ (một nhánh của sông Hậu) đến ngọn rạch Cái Tư (một nhánh của sông Cái Lớn). Để phát huy tác dụng của kênh xáng Xà No, người Pháp tiếp tục cho đào các con kênh ngang vào đồng ruộng, cứ 500 mét là một con kênh nhỏ, 1000 mét là con kênh lớn. Từ đó có các địa danh như: Một Ngàn, Bảy Ngàn, Bảy Ngàn Rưỡi, Mười Ngàn... thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
  23. Choại
    Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.

    Đọt choại non

    Đọt choại non

  24. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  25. Đươn
    Đan (phương ngữ Nam Bộ)
  26. Cái nóp
    Còn gọi là chiếc nóp, là một loại túi ngủ có tác dụng chống muỗi và côn trùng của người dân nghèo miền Tây Nam Bộ trước kia. Nóp là một tấm đệm đan bằng sợi bàng, dài khoảng chừng 2 mét, rộng chừng 1 mét. Tấm đệm bàng này được gập đôi lại, may khít hai đầu nên kín được 3 cạnh, chỉ chừa lại một mí ngang gọi là lưỡi gà để người chui vào nằm. Nằm trong nóp có thể chống lạnh, muỗi mòng, bù mắt và vắt nhưng rất ngột ngạt nên chỉ người dân nghèo mới sử dụng.

    Cái nóp

    Cái nóp

  27. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Theo học giả An Chi:

    Nguyên văn hai câu đầu là:

    Một mai ai đứng minh tinh
    Ai phò giá triệu, ai nghinh quan tài?

    Minh tinh, trong Nam còn gọi là tấm triệu, là dải lụa dài ghi tên họ, tuổi tác, chức tước, ngày từ trần, v.v… của người chết, treo trên một cái giàn nhỏ có đòn khiêng, thường gọi là cái giá triệu, để khiêng đi trước quan tài khi đưa đám tang. Vậy đứng minh tinh là có tên trên tấm minh tinh, nghĩa là đã chết. Nghinh (nghênh) là đón rước. Nghinh quan tài là bưng cái bát hương đi thụt lùi phía trước quan tài để dẫn đường. Còn phò giá triệu là chống gậy tang đi bên cái giá triệu để hộ tống. Nghinh quan tài và phò giá triệu thường là bổn phận của con trai trưởng (hoặc con trai) và của cháu đích tôn (hoặc cháu nội trai). Vậy "đứng bên kinh" và "rinh quan tài" chỉ là do tam sao thất bản mà ra. Theo chúng tôi, bài này vốn chỉ có hai câu đầu và đây là lời của người vợ không sanh nở nói với chồng [...]