Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Giảm Thọ
    Tên một dốc núi cao làm ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Quế Sơn và Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đây là một con dốc rất cao, đường đi khó khăn.
  2. Đèo Le
    Một cái đèo nằm giữa hai xã Quế Long và Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km về phía Tây Nam. Đèo này vốn do người Pháp khai phá thành con đường lên Nông Sơn và đặt tên là Đờ - Le. Vì đèo cao và dài, đường sá gập ghềnh khó đi, muốn vượt qua thì phải mất nhiều công sức, hết cả hơi thở nên dân gian mới gọi là đèo Le (le với hàm ý là le lưỡi). Hiện nay đây là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, với món đặc sản là gà tre Đèo Le.

    Điểm du lịch Đèo Le

    Điểm du lịch Đèo Le

  3. Đại Bình
    Dân gian quen gọi là Đại Bường, một ngôi làng cổ trù phú nằm bên mạn trái sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng này được coi như một Nam Bộ thu nhỏ vì trồng được rất nhiều loại trái cây ăn quả cho trái quanh năm.

    Đường làng ở Đại Bình

    Đường làng ở Đại Bình

  4. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  5. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  6. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  7. Xáng
    Tàu, thuyền lớn (phương ngữ Nam Bộ). Từ này cũng như từ xà lan có gốc từ tiếng Pháp chaland, một loại tàu có khoang chứa rộng thường dùng để chở hàng hóa nặng như vật liệu xây dựng, máy móc...
  8. Kinh
    Kênh, sông đào dùng để dẫn nước hoặc để đi lại bằng đường thủy (phương ngữ Nam Bộ).

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

  9. Buồng tằm
    Buồng để nuôi tằm. Tằm rất dễ chết, nên khi nuôi tằm phải có một phòng riêng, kín gió để đặt các nong tằm trên giá (gọi là cũi tằm).

    Tình tôi mở giữa mùa thu
    Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm

    (Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)

  10. Bàn binh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bàn binh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  11. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  12. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  13. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  14. Thánh tri
    Thánh biết.
  15. Hàn vi
    Nghèo hèn (từ Hán Việt)
  16. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  17. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  18. Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới bể
    Con dâu ít khi quan tâm đến mẹ chồng. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công: “[nàng dâu] tay thì rẽ tóc nhưng mắt lại ngóng nhìn tận đẩu tận đâu; nhìn thấy cả những thứ chẳng liên quan gì đến công việc của mình.”
  19. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  20. Ba ba
    Động vật họ rùa mai mềm, thường có kích cỡ nhỏ hơn rùa, sống ở các vùng nước ngọt (hồ, ao, sông ngòi, đầm, v.v.). Ở nước ta có 5 loài rùa mai mềm: ba ba Nam Bộ, ba ba gai, giải, ba ba trơn, và giải sin hoe. Ba ba có bốn chân, không có đuôi, đầu có vẩy nhỏ, miệng nhiều răng.

    Con ba ba

    Con ba ba

    Hướng dẫn định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, 2010)

  21. Đa đa
    Còn gọi là gà gô, một loài chim rừng, thường sống trên cây hoặc trong các bụi rậm trên núi cao, ăn sâu bọ, đuôi ngắn. Đa đa thường bị săn bắt để lấy thịt.

    Chim đa đa

    Chim đa đa

  22. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  23. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  24. Phù sa
    (Từ Hán Việt: phù: nhẹ, nổi, sa: cát) là các hạt nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở di chuyển theo các dòng nước như sông suối, kênh rạch. Đất có chứa phù sa rất tốt cho cây trồng.

    Dòng nước chứa phù sa

    Dòng nước chứa phù sa

  25. Dòm
    Nhìn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  26. Quýt giấy
    Một giống quýt vỏ màu đỏ tươi, mọng căng, mỏng vỏ nhiều nước, vị chua đậm đà.
  27. Hương Cần
    Một làng bên sông Bồ, thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên–Huế. Quýt Hương Cần là giống quýt quý hiếm nổi tiếng, sinh thời Nguyễn Du và Tùng Thiện Vương có làm thơ ca tụng.

    Quýt Hương Cần

    Quýt Hương Cần

  28. Mỹ Lợi
    Làng cổ thành lập từ thế kỉ 16, thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Làng nổi tiếng với nhiều sản vật như cau, khoai mài, tơ đủi, lụa, thao, nón lá, các loại hải sản nuôi đầm, v.v...

    Đình làng Mỹ Lợi

    Đình làng Mỹ Lợi

  29. Vải trạng
    Còn gọi là hắc lệ chi (vải đen), tương truyền do các sứ thần của ta đi Trung Quốc mang về. Đây là một giống vải quý hiếm, gốc to, tán rộng, trái có cơm dày, hột nhỏ và đen bóng, xưa được dùng để tiến vua.
  30. Cung Diên Thọ
    Một hệ thống kiến trúc cung điện có quy mô lớn nhất còn tồn tại trong Hoàng thành Huế, nơi ở của các Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn. Cung được xây dựng từ năm 1804 và tu sửa qua nhiều đời vua, tên cũng thay đổi nhiều lần: Trường Thọ, Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ, đến triều Khải Định mới mang tên Diên Thọ. Năm 1993, cung được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

    Thọ Chỉ Môn thuộc quần thể cung Diên Thọ

    Thọ Chỉ Môn thuộc quần thể cung Diên Thọ

  31. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  32. Điện Phụng Tiên
    Một ngôi điện thờ cúng các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn, nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa tây của Hoàng thành Huế. Điện trước làm bằng gỗ, tên Hoàng Nhân, nằm gần cửa Hiển Nhân, sau vua Minh Mạng cho dời về vị trí ngày nay và đổi tên thành Phụng Tiên. Điện đã bị phá hủy nhiều trong chiến tranh, hiện chỉ còn cửa tam quan và vòng tường thành còn tương đối nguyên vẹn.

    Cổng tam quan vào điện Phụng Tiên

    Cửa tam quan vào điện Phụng Tiên

  33. Thế Tổ Miếu
    Còn gọi là Thế Miếu, ngôi miếu thờ các vị vua triều Nguyễn, được xây dựng từ đầu thế kỉ XIX, nằm ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế.

    Thế Miếu

    Thế Miếu

  34. Thanh trà
    Loài cây ăn trái thuộc họ Bưởi, quả có múi trong, hơi vàng, vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, ăn nhiều không có hậu đắng trong cổ họng như một số loại bưởi khác. Thanh trà còn được trộn với khô mực làm món gỏi thanh trà. Thanh trà làng Nguyệt Biều (Huế) rất nổi tiếng, xưa được dùng để tiến vua.

    Quả thanh trà

    Quả thanh trà

  35. Nguyệt Biều, Lương Quán
    Tên hai làng nay được hợp nhất thành phường Thủy Biều thuộc thành phố Huế.

    Di tích trường đấu voi và hổ ở làng Nguyệt Biều

    Di tích trường đấu voi và hổ ở làng Nguyệt Biều

  36. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  37. Tịnh Tâm
    Tên một hồ nước trong kinh thành Huế, nguyên là vết tích của sông Kim Long, dưới thời vua Minh Mạng được cải tạo thành hồ hình chữ nhật làm chỗ tiêu dao, giải trí. Trên hồ có ba đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Dưới thời vua Thiệu Trị hồ được coi là một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh. Đây cũng là nơi hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân giả làm người câu cá bí mật gặp vua Duy Tân bàn kế hoạch cho phong trào Duy Tân chống Pháp.

    Hồ Tịnh Tâm

    Cảnh hồ Tịnh Tâm

  38. Cậy
    Ỷ vào sức mạnh, quyền thế hay tiền bạc.
  39. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  40. Bạn biển
    Những người làm mướn về nghề đi biển, nghề cá. Làm nghề này cũng gọi là đi bạn hoặc đi ghe bạn.