Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  2. Sầu tư
    Nỗi buồn riêng.
  3. Ga
    Gà (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  4. Trảo Nha
    Một làng cổ nay thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Vùng đất này nổi tiếng từ xưa về truyền thống học vấn, có nhiều người đậu đạt cao, trong đó nổi tiếng nhất là họ Ngô trải mười tám đời quận công.
  5. Trự
    Chữ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  6. Văn Cử
    Một làng thuộc xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
  7. Trảo Nha là một làng đỗ đạt, nên đến con gà cũng gáy ra chữ. Văn Cử là làng nghèo khó, đến tiếng chó sủa cũng như đòi ăn.
  8. Ghe cá
    Còn gọi là ghe rỗi, dùng để chuyên chở cá đồng từ miền Tây về Sài Gòn. Loại ghe này có điểm đặc biệt là mực nước trong ghe luôn cân bằng với mực nước sông bên ngoài để giữ cá luôn sống và ghe cũng luôn vững.
  9. Bánh bèo
    Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...

    Bánh bèo

    Bánh bèo

  10. Đọi đèn
    Cái bát đựng dầu lạc hay thầu dầu để thắp đèn ngày xưa. Đọi đèn thường là thứ bát nông để cho khỏi phải đổ nhiều dầu, mà bấc cũng dễ hút dầu, thắp cho đỡ tốn.
  11. Chết đuối đọi đèn
    Câu này thường được dùng để nói về sự thất bại, thua lỗ, sa sút, vì một việc rất tầm thường, nhỏ nhặt, cũng như chết đuối trong cái đọi đèn.
  12. Hát ghẹo
    Kiểu hát đối đáp, giao duyên nam nữ, giữa trai gái dân tộc Việt và Mường. Đây là một trong những loại hình dân ca ra đời sớm nhất ở nước ta và được coi là “đặc sản” của nơi quê hương đất Tổ Phú Thọ.
  13. Hát ví
    Lối hát giao duyên nam nữ phổ biến ở vùng Nghệ Tĩnh, xưa kia thường dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái.
  14. Chó ăn đá, gà ăn sỏi
    Chỉ nơi đất đai khô cằn, điều kiện khắc nghiệt.
  15. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  16. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  17. Vinh hiển
    Vẻ vang, rạng rỡ vì làm nên việc lớn, có tiếng tăm.
  18. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  19. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  20. Ngày xưa người ta thường cất giữ tiền bạc và đồ đạc quý giá trong hòm (rương).
  21. Chữ cửu 久 (lâu dài) nhìn giống như hai chữ nhân 人(người) cưỡi lên nhau.
  22. Núi Sam
    Tên chữ là Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn, một ngọn núi nằm trong vùng Bảy Núi, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay là phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Trên và quanh núi Sam có nhiều chùa miếu, trong đó nổi tiếng nhất là miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Phước Điền (còn gọi Chùa Hang)...
  23. Mắm kho
    Còn gọi canh mắm, tên gọi của một món ăn sử dụng nguyên liệu chính là mắm (mắm bò hóc, mắm cá các loại), nấu nước đậm vị và khá sánh đặc, ăn kèm với các loại rau nhúng, chấm, chần, tương tự như cách ăn lẩu, thịnh hành tại nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt là ở miền Nam.

    Mắm kho ăn kèm với nhiều loại rau sống

    Mắm kho ăn kèm với nhiều loại rau sống

  24. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  25. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  26. Đồng triều
    Cánh đồng ở vùng đất ngập nước ven biển, hình thành từ bùn do sông và thuỷ triều mang tới. Đồng triều chủ yếu được dùng để nuôi trồng thủy hải sản.
  27. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  28. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  29. Ngựa Lồng
    Một con thác trên sông Cái thuộc tỉnh Khánh Hoà, còn gọi là thác Ngựa hoặc thác Ngựa Oằn.

    Theo Xứ sở trầm hương của Quách Tấn: "Thác dài đến trên dưới ba trăm thước. Không dốc nhưng có nhiều đá mọc ngầm dưới nước. Có ba tảng cao nhất, chỏm lên gần sát mặt nước. Nằm theo hàng dọc. Nước chảy xuống bị sức cản, bắn bọt tung tóe. Trông dạng nước chảy qua ba tảng đá ấy, lên cao rồi xuống thấp, giống như kiểu ngựa. Cho nên ba tảng đá mang tên là Kiều Nhất (tảng ở trên hết), Kiều Nhì (tảng ở giữa), Kiều Ba (tảng cuối). Sức nước qua thác Ngựa rất mạnh. Dòng nước chảy cuồn cuộn trông hung hãn như ngựa lồng. Do đó mà mệnh danh là thác Ngựa Lồng."

  30. Trâu Đụng
    Một con thác trên sông Cái thuộc tỉnh Khánh Hoà.

    Theo cuốn Xứ sở trầm hương của Quách Tấn: "Trâu ở thác Trâu Đụng lại nằm phía giữa dòng. Và có ba con. Trâu mẹ nằm giữa, hai trâu nghé nằm hai bên. Bè ở trên theo sức nước trôi xuống, nếu lỡ tay sào, thì nhất định bị đụng vào đá, không đụng vào tảng này cũng đụng vào tảng kia. Mà một khi đụng vào thì hoặc chìm hoặc vỡ, chớ khó mà “bình yên.” Cho nên tay sào thật giỏi mới dám qua thác Trâu Ðụng."

  31. Giằng Xay
    Cũng viết là Dằng Xay, tên một cái thác nằm trên sông Cái, thuộc tỉnh Khánh Hoà.

    Theo cuốn Xứ sở trầm hương của Quách Tấn: "Mệnh danh như thế là vì thác chảy theo hình cánh chỏ, trông giống dằng xay xay lúa. Nước chảy rất mạnh. Nơi nghẹo cánh chỏ có một cồn cát. Nước chảy xuống dội mạnh vào nghẹo cánh chỏ bị dội trở lại, một phần theo dòng sông chảy xuôi, một phần chạy vòng quanh cồn cát như kiểu xay lúa. Ðó là một điểm nữa làm cho thác lấy tên là Dằng Xay chớ không lấy tên Cánh Chỏ hay Chữ Chi. Bè ghe khi xuống gần đến khúc nghẹo dằng xay, thì các tay sào phải sẵn sàng giơ ra theo hướng thuận tiện để chống vào vách đá cho ghe bè theo đúng đường trôi xuôi. Nếu lỡ tay thì thế nào cũng bị va vào vách đá. Mà một khi bị va thì không vỡ cũng chìm, hoặc bị đẩy lọt vào phần nước bị dội và bị nước cuốn chạy vòng quanh cồn cát, phải tốn nhiều công sức mới ra khỏi vòng xà quây."