Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Táng
    Mất (từ cũ).
  2. Đảm
    Quả mật. Nghĩa bóng chỉ tính cách bạo dạn. Có nơi phát âm thành đởm.
  3. Nao
    Có cảm giác chao động nhẹ (về tình cảm).
  4. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Miết
    Hoài, mãi (phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ).
  6. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  7. Huệ
    Một loài cây nở hoa rất thơm về đêm. Vì đặc tính độc đáo ấy, huệ còn có tên là dạ lai hương (thơm về đêm). Huệ được dùng nhiều trong việc cúng, lễ mà ít dùng để tặng nhau. Lưu ý phân biệt với hoa huệ tây, còn gọi là hoa loa kèn.

    Hoa huệ

    Hoa huệ

  8. Tộ
    Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)

    Cá kho tộ

    Cá kho tộ

  9. Chung
    Chén nhỏ dùng khi uống rượu hoặc trà. Cũng nói chung thỉ (người Nam Bộ phát âm chữ thủy thành thỉ).

    Chung trà

    Chung trà

  10. Rượu lưu ly
    Rượu tiễn. Rượu người con gái rót mời cha mẹ uống trong lễ đón dâu, trước khi về nhà chồng thường được gọi là rượu lưu ly.
  11. Sứ
    Một chức quan cai trị người Pháp đứng đầu trong một tỉnh dưới thời Pháp thuộc.
  12. Tây đề chữ, sứ treo bồ chỉ việc thực dân Pháp xây trụ, cắm mốc trên các đồi cao để đo đạc.
  13. Tư lương
    Tư: lo nghĩ. Lương: đo lường. Tư lương: Đoán trước sự thể về sau.

    Đạo học ngày nay đã chán rồi
    Mười người đi học, chín người thôi
    Cô hàng bán sách lim dim ngủ
    Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi

    (Đạo học ngày nay - Tú Xương)

  14. Hồng đào
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồng đào, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  15. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  16. Trọng
    Nặng (từ Hán Việt). Cũng đọc là trượng.
  17. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  18. Khướu
    Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.

    Chim khướu

    Chim khướu

  19. Có bản chép: Chiếu.
  20. Chài
    Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

  21. Đỏ
    Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
  22. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  23. Có bản chép: Canh chầy.
  24. Cổ Nhuế
    Tên Nôm là kẻ Noi, một làng thuộc Thăng Long xưa, nay là xã thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng Cổ Nhuế ngày xưa có truyền thống thâm canh lúa và hoa màu giỏi, đồng thời có nghề may từ đầu thế kỉ 20. Làng cũng có nghề hót phân rất độc đáo, tới mức trong đền thờ Thành Hoàng, người ta thờ đôi quang và chiếc đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu cầm tay (những công cụ hót phân).

    Đọc thêm "Nghề hót phân trên đời là nhất!".

    Người lấy phân

    Người lấy phân

  25. Sọt
    Đồ đựng đan bằng tre hoặc nứa, có mắt thưa.

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

  26. Hòn Yến
    Tên một đảo đá cao nằm ngoài khơi xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa nơi đây có rất nhiều chim yến đến làm tổ, nên có tên gọi như vậy. Hiện nay Hòn Yến được xem là một thắng cảnh độc đáo của Phú Yên.

    Hòn Yến

    Hòn Yến

  27. Lưới mành
    Loại lưới đánh cá biển truyền thống của các tỉnh Nam Bộ, chủ yếu dùng để khai thác các loài cá nổi như cá chim, trích, nục, cơm, bạc má, chỉ vàng...

    Lưới mành

    Lưới mành

  28. Hanh heo, đường trèo lên ngọn
    Vào tiết thu, khi gió heo may mang hơi lạnh và khô thổi tới thì cây mía sẽ ngọt từ gốc lên tới ngọn.
  29. Thanh nữ
    Người con gái dịu dàng, thanh cao (từ Hán Việt).
  30. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  31. Chợ Lớn
    Tên của khu vực đông người Hoa sinh sống nằm ven kênh Tẻ trải dài trên quận 5 và quận 6 ở thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này trước kia lập thành một thành phố riêng biệt với Sài Gòn, gọi là thành phố Chợ Lớn. Trong những năm 1930-1950 do quá trình đô thị hóa, Sài Gòn và Chợ Lớn dần dần sáp nhập với nhau.

    Chợ Lớn trước 1975

    Chợ Lớn trước 1975