Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Lộn chồng
    Bỏ chồng theo trai (từ cũ).
  3. Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo
    Dù nanh có sắc, chuột cũng khó lòng (dễ đâu) cắn được cổ mèo. Nghĩa bóng: Dù có cố gắng thì kẻ yếu cũng khó lòng địch nổi sức áp đảo của kẻ mạnh.
  4. Nhởi
    Chơi (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Phản
    Bộ ván dùng để nằm hoặc ngồi như giường, chõng, thường từ 1-3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân vững chãi. Có một số loại phản khác nhau như phản gõ (còn gọi là "bộ gõ" hay "ngựa gõ" là phản làm bằng gỗ gõ), phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà). Mặt phản không chạm, tiện, chỉ cần cưa, cắt thẳng, bào láng, đánh bóng. Bộ chân đế phản ở các nhà khá giả thì được tiện hình trang trí khá tinh xảo.

    Theo tôn ti trật tự ngày xưa, ngồi phản phải xét ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi phản nào cũng được. Bậc trưởng thượng thường ngồi giữa phản, vai vế thấp hơn ngồi ở mé bên. Tương tự, chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa, đặt ngay chính giữa nhà. Vai vế thấp hơn phải ngồi phản chái đặt ở gian chái tây hướng ra vườn.

    Phản gỗ

    Phản gỗ

  6. Đanh
    Đinh (phương ngữ).
  7. Rành rành
    Một số nơi gọi là cây rang hoặc cây chổi trện, một loại cây mọc tự nhiên ở các vùng đồi núi. Rành rành được khai thác để làm chổi, gọi là chổi rành rành, chổi rang, chổi xể, hoặc chổi trện.

    Cây rành rành

    Cây rành rành

  8. Anh em rể như chổi xể quét nhà
    Sợi chổi xể to và cứng, chỉ dùng để quét sân, khi quét nhà thường bị vướng nền bật lại. Anh em rể thường hay khích bác nhau, ít nhường nhịn nhau.
  9. Thi đua yêu nước
    Tên gọi của một phong trào toàn dân được phát động sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" vào ngày 11/6/1948. Trích:

    "Mục đích thi đua ái quốc là gì?
    Diệt giặc đói khổ,
    Diệt giặc dốt nát,
    Diệt giặc ngoại xâm.
    Cách làm là, dựa vào:
    Lực lượng của dân
    Tinh thần của dân, để gây:
    Hạnh phúc cho dân.
    Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua.
    Làm cho mau
    Làm cho tốt
    Làm cho nhiều."

    Tên gọi này vẫn còn được sử dụng cho một số phong trào hiện nay.

  10. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  11. Thầy
    Cách gọi học trò ở một số vùng của Trung và Nam Bộ trước đây.
  12. Chuyện bao đồng
    Chuyện linh tinh, không có liên quan đến việc chính cần làm hoặc điều cần bàn đến.
  13. Chòi mòi
    Còn gọi tòi mòi, chồi mòi, chu mòi, châm mòi, chua mòi, chóp mòi, mà ca, xô con, cây gỗ nhỏ thuộc họ Thầu dầu, cao 3-10 m, nhánh cong queo, mọc hoang ở vùng rừng thưa và đôi khi ở đồng bằng. Vỏ, cành con, lá chòi mòi dùng làm vị thuốc Đông y chữa đau đầu, tiêu chảy, làm thuốc bổ cho phụ nữ mới sinh, giúp điều kinh.

    Cây chòi mòi

    Cây chòi mòi

  14. Minh Phú
    Tên một xã thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
  15. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  16. Đu đủ
    Loại cây ăn quả rất thường gặp ở Việt Nam. Quả đu đủ có thể ăn xanh (làm nộm, hầm, hoặc làm mắm) hoặc ăn chín.

    Cây và quả đu đủ, từ quyển Medicinal-Plants (1887) của Koehler

    Cây và quả đu đủ, từ quyển Medicinal-Plants (1887) của Koehler

  17. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  18. Sọt
    Đồ đựng đan bằng tre hoặc nứa, có mắt thưa.

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

  19. Sề
    Đồ đan mắt thưa, nan thô, rộng, to hơn rổ, thường dùng đựng bèo, khoai...
  20. Họ mạc
    Bà con họ hàng.
  21. Áo dài
    Trang phục truyền thống của nước ta, gần như trở thành một biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, tuy nam giới cũng mặc được. Áo dài có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi, từ đi chơi, đi học cho đến dịp lễ lạc, tiếp khách trang trọng. Hiện chưa rõ nguồn gốc xuất xứ của áo dài, theo thời gian nó đã được cách tân cách điệu nhiều lần, nhưng hình dạng cơ bản vẫn giữ nguyên. Kiểu dáng hiện nay do họa sĩ Lê Phổ sửa lại từ những cải cách quan trọng của họa sĩ Cát Tường vào thập niên 30 của thế kỉ trước.

    Nữ sinh trong tà áo dài

    Nữ sinh trong tà áo dài

  22. Bâu
    Cổ áo.
  23. Người nghĩa
    Người thương, người tình.