Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phù Lưu
    Một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, còn gọi là làng Giầu, Chợ Giầu. Làng có truyền thống buôn bán và văn hóa. Vào các thế kỷ 15, 16, 17, Phù Lưu là một làng chợ lớn nên mới có tên chữ là Thị thôn (làng chợ). Nay Thị Thôn là tên một thôn ở xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  2. Sáo
    Còn gọi là mành sáo, là tấm đan bằng tre, có nan to, thường treo trước nhà hoặc gần cửa sổ để che nắng. Sáo cũng có thể được treo trước bàn thờ.

    Mành sáo

    Mành sáo

  3. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  4. Đình Bảng
    Tên một ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh, xưa là làng Cổ Pháp, có tên Nôm là làng Báng. Đây là quê hương của Lý Thái Tổ – vị vua sáng lập triều Lý, người đã dời đô về Thăng Long-Hà Nội.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý ở làng Đình Bảng

  5. Ấm tích
    Loại ấm thường làm bằng sành hoặc gốm sứ, lớn hơn ấm trà độc ẩm (loại ấm thông dụng trong phòng khách ngày nay, có kích cỡ nhỏ vì nguyên thủy chỉ dành cho một người uống), thường được bỏ vào giỏ ủ đan bằng tre hay mây, bên trong có chằn vải bông giữ nhiệt. Ấm tích thường được dùng hãm chè xanh hoặc trà tươi, có quai cầm bên trên và có khả năng ủ chè nóng lâu.

    Bộ ấm tích

    Bộ ấm tích

  6. Bo bo
    Còn có tên là ý dĩ, một loại ngũ cốc thân cao, hay bị nhầm với lúa mạch, hạt có thể ăn như lương thực hoặc dùng làm thuốc. Trong chiến tranh Việt Nam (1955 - 1975) và cả thời bao cấp (1976 - 1986), dân ta phải ăn cơm độn với bo bo, khoai, sắn, mì...

    Bo bo, tên khoa học là Coix Lacryma-jobi.

    Bo bo

  7. Yến sào
    Tổ chim yến, được hình thành bằng nước bọt của chim yến, tìm thấy trên các vách đá nơi chim ở. Yến sào có hình dạng như chén trà bổ đôi, là thực phẩm rất bổ dưỡng nên từ xưa đã được coi là một món cao lương mĩ vị. Ở nước ta, yến sào nổi tiếng nhất có lẽ là ở Khánh Hòa.

    Yến sào

    Yến sào

  8. Đường phèn
    Loại đường làm từ mía (như đường cát bình thường) nhưng công đoạn chế biến phức tạp hơn. Người ta làm đường phèn bằng cách nấu sôi đường cát với trứng gà và nước vôi, hớt bọt rồi thả những cái đũa có buộc các búi chỉ vào, để khô thành những cục đường kết tinh trong suốt gọi là đường phèn. Đường phèn có vị thanh và dịu hơn đường cát. Vì nhìn giống đá băng nên đường phèn còn có tên là băng đường.

    Đường phèn

    Đường phèn

  9. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  10. Diềm
    Lá vải thêu làm rèm che mui cáng khiêng người.
  11. Mược
    Mặc kệ (phương ngữ miền Trung).
  12. Lang bạt kì hồ
    Lang thang khắp nơi, nay đây mai đó. Thành ngữ này vốn là một câu trong Kinh Thi:

    Lang bạt kì hồ
    Tái trí kì vĩ
    Công tốn thạc phu
    Xích tích kỉ kỉ

    Theo đó lang bạt kì hồ có nghĩa là “con sói giẫm lên cái yếm cổ của nó” (nên lúng túng không đi tới được). Tuy nhiên, nghĩa gốc này hiện nay không nhiều người biết đến, và tuyệt đại đa số hiểu theo nghĩa "lang thang nay đây mai đó." Theo học giả An Chi: Không biết được ý nghĩa đích thực của câu đang xét, người ta đã liên hệ các thành tố của nó với những yếu tố mà mình đã biết: “lang” với “lang thang”, “bạt” với “phiêu bạt”, “hồ” với “giang hồ”, chẳng hạn. Thế là thành ra cái nghĩa “sống lang thang rày đây mai đó.”

  13. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  14. Láng linh
    Lênh láng, cách nói của người miền tây nam bộ. Có bản chép là "Láng Linh": tên cánh đồng thuộc địa phận 3 huyện Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên của tỉnh An Giang
  15. Vàm Cú
    Có ý kiến cho rằng địa danh này thuộc tỉnh Trà Vinh, nhưng chưa xác định được cụ thể.
  16. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Trà Cú
    Một huyện duyên hải thuộc tỉnh Trà Vinh, nằm ở ngã ba nơi sông Hậu đổ ra biển.
  18. Sây
    (Cây) sai (hoa, quả).
  19. Lá thắm
    Hay lá đỏ, hồng diệp, nguyên từ một điển tích Trung Quốc: Đời Đường Hi Tông, có một cung nữ tên Hàn Thúy Tần chịu cảnh cô đơn trong thâm cung, nàng viết thơ lên chiếc lá đỏ giãi bày nỗi niềm rồi thả trôi theo dòng nước. Một thư sinh tên Vu Hựu nhặt được chiếc lá ấy, đồng cảm mà đề thơ lên một chiếc lá khác, chờ nước đổi dòng lại thả xuống. Cung nữ họ Hàn nhặt được, cảm động và cất chiếc lá trong rương. Về sau, Vu Hựu và Hàn Thúy Tần gặp gỡ nhau, kết duyên vợ chồng và nhận ra chiếc lá đỏ đề thơ cả hai cùng lưu giữ. Từ đó "hồng diệp" chỉ nhân duyên vợ chồng.

    Thẳm nghiêm kín cổng cao tường
    Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh

    (Truyện Kiều)

  20. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  21. Thanh Trì
    Một địa danh trước đây thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, đến năm 1961 được sát nhập và Hà Nội. Lần lượt vào năm 2001 và 2003, một phần của Thanh Trì được cắt ra để thành lập quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai. Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, với nhiều ao, hồ, đầm. Tên cổ của huyện là Thanh Đàm có nghĩa là "đầm xanh," chính là dựa vào đặc điểm địa hình của huyện, đến thế kỉ 16 do kị húy vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm) nên đổi thành Thanh Trì (ao xanh). Tại đây có món đặc sản rất nổi tiếng là bánh cuốn Thanh Trì.
  22. Bánh cuốn
    Loại bánh làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, ăn khi còn ướt, bên trong cuốn nhân (bánh không có nhân ở miền Nam gọi là bánh ướt). Bánh thường ăn với một loại nước chấm pha nhạt từ nước mắm và nếu là bánh cuốn truyền thống thì không thể thiếu tinh dầu cà cuống pha trong nước chấm, khi ăn thường kèm thêm giò, chả lụa, hay chả quế. Bánh cuốn Thanh Trì có lẽ là nổi tiếng nhất, không chỉ ở Hà Nội mà còn trên cả nước.

    Bánh cuốn Thanh Trì

    Bánh cuốn Thanh Trì

  23. Ngũ Nhạc
    Tên chung của năm cái gò, còn gọi là Năm Núi (nhạc 岳: núi lớn) thuộc địa phận Thanh Trì, Hà Nội trước đây.
  24. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  25. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  26. Lý Bạch
    (701- 762) Nhà thơ lớn trong lịch sử Trung Quốc, được hậu bối sùng bái tôn làm Thi Tiên. Ông thích ngao du sơn thủy và làm thơ rất nhiều, tương truyền tới hơn 20.000 bài, nhưng làm cho vui rồi vứt, thơ ông được truyền tụng đến nay phần lớn nhờ dân gian ghi chép lại. Lý Bạch còn nổi tiếng mê rượu, chuyện kể lúc ông cáo quan về quê, vua Đường Minh Hoàng ban tặng rất nhiều vàng bạc nhưng ông từ chối cả, sau được vua cho quyền uống rượu tại bất kì quán rượu nào đi qua, tiền rượu sẽ được thanh toán vào ngân khố.

    Lý Bạch qua tranh vẽ

    Lý Bạch qua tranh vẽ

  27. Bá Nha
    Xem chú thích tri âm.
  28. Hát ví
    Lối hát giao duyên nam nữ phổ biến ở vùng Nghệ Tĩnh, xưa kia thường dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái.