Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thạch Hà
    Tên một huyện duyên hải thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Thành phố Hà Tĩnh nằm ngay giữa và chia huyện thành hai phần Đông và Tây.
  2. Tam Hoàng Ngũ Đế
    Thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, và là các vị vua huyền thoại của Trung Quốc trong thời kỳ từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN, ngay trước thời nhà Hạ. Tam Hoàng là ba vị vua đầu tiên của nước này, Ngũ Đế là năm vị vua nối tiếp theo Tam Hoàng, có công khai hóa dân tộc Trung Hoa, đưa dân tộc này thoát khỏi tình trạng sơ khai.

    Các học giả Trung Hoa không nhất trí với nhau về Tam Hoàng và Ngũ Đế cụ thể là ai.

    Tam hoàng, tùy theo ý kiến, có thể bao gồm Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông; hoặc Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng; hoặc Phục Hy, Thần Nông, Toại Nhân.

    Ngũ đế có thể là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, và Đế Thuấn; có thể là các vị thần ở các phương: Thiếu Hạo (đông), Chuyên Húc (bắc), Hoàng Đế (trung), Phục Hi (tây), Thần Nông (nam); hoặc có thể đồng nhất với Ngũ thị, bao gồm: Hữu Sào thị, Toại Nhân thị, Phục Hi thị, Nữ Oa thị, Thần Nông thị.

    Ngoài ra, còn có các thuyết khác về thành phần của Tam Hoàng Ngũ Đế.

     

  3. Tam Hoàng Ngũ Đế chi thư
    Sách của Tam Hoàng, Ngũ Đế.
  4. Điếu
    Đồ dùng để hút thuốc (thuốc lào hoặc thuốc phiện). Điếu để vào trong cái bát gọi là điếu bát. Điếu hình ống gọi là điếu ống.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  5. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  6. Lụn
    Sắp hết, mòn dần đi.
  7. Khăn xéo
    Một loại khăn bịt đầu ngày xưa, vừa để che mưa nắng vừa có thể làm tay nải để đựng đồ đạc khi cần. Cũng gọi là khăn chéo.
  8. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  9. Nằm bãi
    Ra bờ biển nằm đợi bắt đồi mồi cái lên đẻ trứng.
  10. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  11. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  13. Có bản chép: đường cong.
  14. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  16. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  17. Nho Lâm
    Một làng nay thuộc xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An, là nơi có nghề rèn cổ từng lừng danh khắp nước nhưng nay đã mai một. Tương truyền, tướng Cao Lỗ – người chế tạo ra nỏ thần (nỏ liên châu) cho Thục Phán An Dương Vương – chính là người truyền lại nghề rèn cho làng Nho Lâm.
  18. Quánh
    Đặc sệt, kết dính với nhau.
  19. Nhân Mục
    Tên Nôm là Kẻ Mọc, tên gọi chung một số thôn làng cổ nằm trên bờ Nam sông Tô Lịch, phía ngoài lũy thành đất Thăng Long. Theo Quốc sử tạp lục thì vào thế kỷ 10, các làng Mọc đều có rừng, vậy mới có tên là Kẻ Mọc, tên chữ là Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Xã Nhân Mục dân số ngày càng đông, phát triển thành hai xã là: Nhân Mục Cựu (gồm hai thôn Thượng Đình và Hạ Đình) và Nhân Mục (gồm các thôn Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất). Kẻ Mọc ngày trước có nhiều người đỗ đạt, nhiều di tích lịch sử và văn hóa.
  20. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  21. Pháp Vân
    Tên một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Xưa kia làng có nghề làm và bán bún ốc.
  22. Làng Mọc thờ đầu, Lủ Cầu thờ chân, Pháp Vân thờ mình
    Tương truyền khi quan đô sát Từ Vinh (cha của Từ Lộ, tức thiền sư Từ Đạo Hạnh) bị mưu sát, xác ông bị chém thành ba khúc, vứt xuống sông Tô Lịch. Ba làng Mọc, Lủ Cầu và Pháp Vân vớt được ba phần xác của ông, lập đền thờ.
  23. Hiếu sự
    Việc tang.