Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mài mực ru con, mài son đánh giặc
    Mài mực Tàu (để viết chữ Hán) thì động tác nhẹ nhàng, khoan thai như ru con. Mài mực son (để khuyên, điểm, khen chữ tốt) thì vất vả hơn (như "đánh giặc") do cục son làm từ thứ đá đỏ rất cứng.
  2. Ngồng
    Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.

    Ngồng cải

    Ngồng cải

  3. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  4. Tằm nuôi ba lứa mới có nhiều kinh nghiệm, ruộng cấy ba năm mới biết đất tốt hay xấu.
  5. Hòa cốc phong đăng
    Thóc lúa, ngũ cốc được mùa (thành ngữ Hán Việt). Đây là câu chúc cho nhà nông, nằm trong bốn câu chúc cho tứ dân sĩ-nông-công-thương, với ba câu kia lần lượt là Văn tấn võ thăng (văn võ cùng tiến tới), Ngư hà lợi lạc (đánh cá sông biển đều được lợi) và Nhất bổn vạn lợi (một vốn vạn lời).
  6. Tay co
    Uốn vòng tay mà chịu lấy đồ nặng (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

    Như chàng có vững tay co
    Mười phần cũng đắp điếm cho một vài

    (Truyện Kiều)

  7. Bà Điểm
    Tên một xã thuộc huyện Hóc Môn, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh. Ngày trước nơi đây nổi tiếng là một trong "mười tám thôn vườn trầu." Về nguồn gốc tên gọi này hiện có ba giả thuyết:

    1. Vào năm 1868, người dân Quảng Bình di cư vào vùng đất miền Nam khai phá, đến đây họ gặp người phụ nữ bán nước bên đường tên là Điểm nên đã dùng chính cái tên này để gọi tên cho vùng đất.
    2. Khi Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc ở vùng này tại nhà một bà lão tên là Điểm.
    3. Theo lí giải của Trương Vĩnh Ký, Bà Điểm là tên của một trong sáu bà vợ của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (thường được gọi là Lãnh binh Thăng), người đã xây dựng cầu Ông Lãnh. Ông mua đất và xây cất sáu cái chợ to, mỗi chợ mang tên một bà vợ. Từ đó, vùng đất có chợ Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn mang tên gọi này.

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

  8. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  9. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  10. Nhà pha
    Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
  11. Vu Lan
    Tên đầy đủ là Vu Lan Bồn, lễ hội báo hiếu của Phật giáo được tổ chức ở một số nước Á Đông vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Những người tham gia lễ hội Vu Lan ở Việt Nam, người nào còn mẹ được cài trên ngực một bông hồng vàng, người không còn mẹ cài một bông hồng trắng. Xem thêm bài Bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
  12. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  13. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  14. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  15. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  17. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  18. Bắt cô trói cột
    Một loài chim thuộc họ Cu cu, chim trưởng thành nửa thân trên có màu trắng, nửa dưới có nhiều vạch trắng đen. Tiếng chim kêu nghe như "Bắt cô trói cột" nên dân gian lấy làm tên, sinh sống hầu như trên khắp nước ta. Nghe tiếng chim bắt cô trói cột.

    Bắt cô trói cột

    Bắt cô trói cột

  19. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  20. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  21. Niên
    Năm (từ Hán Việt)
  22. Cơ đoạn
    Có thể hiểu là lúc khó khăn, đói kém.
  23. Luôn tuồng
    Liên tục, nối tiếp nhau không ngừng nghỉ (phương ngữ Nam Bộ).
  24. Pheo
    Tre (phương ngữ Trung Bộ).
  25. Hò hụi
    Một loại hình hò ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (Bình-Trị-Thiên), được hò khi chèo đò. Khi hò, người hò chêm vào các tiếng "hụi hò khoan" đánh nhịp với tay chèo đò. Nghe một bài Hò hụi.
  26. Kho tàu
    Cách kho thức ăn (thịt, cá, tôm) theo kiểu người Tàu: kho với nước dừa, vị hơi ngọt, nước có màu đỏ. Nhà văn Bình Nguyên Lộc có một cách giải thích khác về tên gọi: "Thịt kho tàu không phải là món ăn của người…Tầu.
    Đúng ra là “tàu”. Tàu đây hiểu theo người Nam ở miệt dưới như sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ.
    Tàu nghĩa là…“lạt”.
    Và kho tàu là kho lạt lạt chứ không phải là kho mặn.
    Tàu chứ không phải là…Tầu hay kho theo Tầu. Vì bên Tầu lạnh nên không có dừa để có
    nước dừa tươi chêm vào nồi thịt kho tàu."

    Thịt kho tàu

    Thịt kho tàu

  27. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  29. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  30. Ngầu
    (Chó) vồ cắn, gầm gừ.
  31. Rau dền
    Một loại rau có tính mát, giàu sắt, là món ăn dân dã phổ biến với người Việt Nam. Ở Việt Nam chủ yếu có hai loại rau dền là dền trắng và dền đỏ (tía). Rau dền thường được luộc hay nấu canh.

    Rau dền đỏ

    Rau dền đỏ

  32. Hồ
    Kĩ thuật làm cho sợi dệt hoặc vải thấm đều một lớp nước có pha lớp bột hoặc keo cho cứng.