Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Rượu tăm
    Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.
  2. Muối dưa
    Trộn một hoặc nhiều loại rau, củ, quả với muối và một số gia vị rồi để lên men cho chua, dùng làm thức ăn.

    Dưa cải muối

    Dưa cải muối

  3. Khó
    Nghèo.
  4. Tay gà bới: các ngón tay xòe ra. Tay chó bới: các ngón tay chụm lại.
  5. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  6. Rau thơm
    Tên chung dùng để chỉ các loại rau ăn được (có thể là rau, củ, quả thơm), được trồng hoặc hái từ tự nhiên, có mùi thơm đặc biệt tùy theo loại do các tinh dầu trong rau bay hơi tạo thành. Thơm còn là tên gọi tắt của người Hà Nội dành cho loại húng thơm mà nổi tiếng nhất là húng Láng.
  7. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  8. Triệu Vân
    Tự là Tử Long (nên cũng gọi là Triệu Tử), một danh tướng nhà Thục, thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Một trong Ngũ Hổ tướng (cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu và Hoàng Trung), ông có công rất lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán. Triệu Tử Long thường được nhắc đến với trận Đương Dương trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, trong đó ông một mình một ngựa đưa ấu chúa Lưu Thiện vượt vòng vây của địch, chém gãy 2 lá cờ to, cướp 3 ngọn giáo, cướp được gươm Thanh Cang, trước sau giết được hơn 50 tướng Tào.

    Hình vẽ Triệu Vân

    Hình vẽ Triệu Vân

  9. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  10. Sái
    Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.

    Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.

  11. Cao Biền
    Một viên tướng của nhà Đường (Trung Hoa), giữ chức Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu (tên gọi của nước ta khi ấy) từ năm 866 đến năm 875. Theo Cựu Đường thư, Cao Biền liệt truyện thì Cao Biền thuộc dòng dõi thế gia, từ bé đã giỏi văn chương, lại có tài võ nghệ. Trong văn hóa Việt Nam có nhiều huyền thoại về nhân vật này như Cao Biền giỏi địa lí, thuật số, thường cưỡi diều bay đi yểm những chỗ có long mạch, hay chuyện Cao Biền rải đậu thành binh...
  12. Gia Cát cầu phong
    Một điển tích được trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung nhưng không có thật trong lịch sử. Theo đó, Lưu Bị và Tôn Quyền liên minh với nhau chống lại quân Tào Tháo với danh nghĩa triều đình. Chu Du muốn dùng hỏa công để phá thủy quân của Tào Tháo, nhưng không có gió thuận vì bấy giờ là mùa đông. Cuối cùng trước khi trận Xích Bích diễn ra, Khổng Minh lập đàn cầu gió. Trời liền nổi gió Đông, thuyền của quân Tào bắt lửa cháy rụi.
  13. Tào Tháo
    Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.

    Tào Tháo

    Tào Tháo

  14. Trận Xích Bích
    Một trận đánh lớn diễn ra vào mùa đông năm 208, thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Trong trận này, liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị đã đánh bại 80 vạn binh của Tào Tháo bằng hỏa công, mở đầu định hình thế chân vạc chia ba thiên hạ. Trận Xích Bích đã được tiểu thuyết hóa trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung với các tình tiết hư cấu như Gia Cát lập đàn cầu phong, thuyền cỏ mượn tên...
  15. Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, sau khi bại trận Xích Bích, Tào Tháo dẫn tàn quân tháo chạy, nhưng liên tục bị các cánh quân của Lã Mông, Lăng Thống, Cam Ninh, Triệu Vân, Trương Phi phục kích đổ ra đánh, trước khi bị quân của Quan Vân Trường chặn lại ở đường hẻm Hoa Dung. Tại đây Tào Tháo đã phải van xin Quan Vũ "vì tình xưa nghĩa cũ" mà tha mạng. Chi tiết này không có thật trong lịch sử.
  16. Ăn cơm bảy phủ
    Tiếng khen người trải việc, thuộc biết việc đời. Có chỗ hiểu là ăn mày. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  17. Núi Sam
    Tên chữ là Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn, một ngọn núi nằm trong vùng Bảy Núi, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay là phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Trên và quanh núi Sam có nhiều chùa miếu, trong đó nổi tiếng nhất là miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Phước Điền (còn gọi Chùa Hang)...
  18. Mắm kho
    Còn gọi canh mắm, tên gọi của một món ăn sử dụng nguyên liệu chính là mắm (mắm bò hóc, mắm cá các loại), nấu nước đậm vị và khá sánh đặc, ăn kèm với các loại rau nhúng, chấm, chần, tương tự như cách ăn lẩu, thịnh hành tại nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt là ở miền Nam.

    Mắm kho ăn kèm với nhiều loại rau sống

    Mắm kho ăn kèm với nhiều loại rau sống

  19. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  20. Tre lướt cò đậu
    Tre ngã lướt xuống, cò lại đậu lên trên. Nhân lúc người ta gặp nguy nan mà làm hại. Câu này có nghĩa tương tự như Giậu đổ bìm leo.
  21. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  22. Sầu riêng
    Loại cây ăn quả thường gặp ở Nam Bộ, vỏ dày, có nhiều gai, cơm quả màu vàng nhạt và có mùi rất đặc biệt. Nổi tiếng nhất có lẽ là sầu riêng Cái Mơn, thuộc tỉnh Bến Tre. Tên gọi sầu riêng bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer thurien.

    Quả sầu riêng

    Quả sầu riêng

  23. Măng cụt
    Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.

    Quả măng cụt

    Quả măng cụt

  24. Cái Mơn
    Một địa danh nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nơi đây nổi tiếng với những vườn cây ăn trái, được xem là vựa cây trái nổi tiếng nhất nhì vùng Nam Bộ.

    Về địa danh Cái Mơn, có ý kiến giảng rằng: Cái, từ cổ nghĩa là con rạch. Mơn là do nói trại từ khmum, tiếng Khmer có nghĩa là mật ong. Ngày xưa, nơi con rạch này có nhiều tổ ong mật.

  25. Cồn Lợi
    Một cái cồn thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, nằm ở phía nam cửa Hàm Luông, tỉnh Bến Tre. Khoảng 30 năm về trước cồn còn cách bờ khoảng 3km, nay được bãi bồi nối liền với đất liền, trở thành bán đảo. Đây là một "mỏ nghêu" nổi tiếng của Bến Tre.
  26. Mỏ Cày
    Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
  27. Ba Lai
    Tên một con sông ở tỉnh Bến Tre, dài khoảng 55 km, chảy qua huyện Châu Thành, và là ranh giới tự nhiên giữa huyện Bình Đại với Giồng TrômBa Tri.
  28. Chợ Giữa
    Một địa danh thuộc xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
  29. Mỹ Hòa
    Tên một xã thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
  30. Mắm
    Một loại cây rừng ngập mặn, gặp rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có bốn loại mắm: mắm lưỡi đồng, mắm đen, mắm ổi, mắm quăn. Tuy có giá trị kinh tế không đáng kể, mắm cùng các loại cây khác như bần, đước... giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ đất, lấn biển.

    Cây mắm

    Cây mắm

  31. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  32. Phù sa
    (Từ Hán Việt: phù: nhẹ, nổi, sa: cát) là các hạt nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở di chuyển theo các dòng nước như sông suối, kênh rạch. Đất có chứa phù sa rất tốt cho cây trồng.

    Dòng nước chứa phù sa

    Dòng nước chứa phù sa

  33. Bà Hiền
    Tên một con rạch chảy qua địa bàn xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đổ ra cửa sông Hàm Luông.
  34. Tân Thủy
    Tên một xã nằm ven biển thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
  35. Sóc Sãi
    Tên một con rạch dài 9km, hình dáng như một vòng cung, bắt đầu từ xã Tiên Thủy, chảy ngang qua chợ Sóc Sãi rồi đổ ra sông Hàm Luông.
  36. Ba Tri
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) - nhà yêu nước, nhà giáo, nhà thơ lớn nhất của Nam Bộ vào cuối thế kỉ 19.

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

  37. Xẻo Sâu
    Địa danh nay xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, thuộc vùng nước ngọt, xưa trồng nhiều cau.
  38. Thạnh Phú
    Một huyện của tỉnh Bến Tre, có Cồn Lợi nổi tiếng là một "mỏ nghêu." Huyện Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Mỏ Cày, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh ngăn cách bởi con sông Cổ Chiên, phía bắc giáp huyện Ba Tri, có ranh giới chung là sông Hàm Luông.
  39. Thạnh Phong
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nằm bên cửa Cổ Chiên.
  40. Gảnh
    Địa danh có thể là gảnh Bà Hiền, gảnh Mù U ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Gảnh là nơi tiếp giáp giữa giồng với đầm lầy, hoặc khu đất trũng do phù sa bồi đắp nên.
  41. Giồng Trôm
    Một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, trước đây còn có tên là quận Tán Kế, đặt theo tên Tán Lý quân cơ Lê Thành Kế (? - 1869), một vị quan triều Nguyễn, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Giồng Trôm. Địa danh Giồng Trôm có từ việc nơi đây từng là một giồng đất trồng nhiều cây trôm.
  42. Phong Nẫm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nằm ở ngã tư sông giữa kênh Giao Hòa và sông Ba Lai.
  43. Đoái
    Nghĩ tới, nhớ tới.
  44. Lộc
    Chồi lá non của cây. Vì chữ này đồng âm với "lộc" trong "phước lộc," "tài lộc," nghĩa là những điều tốt lành do trời ban cho, nên ở nước ta có phong tục hái lộc đầu năm để cầu may mắn, hạnh phúc cả năm.
  45. Vả
    Cây cùng họ với sung, lá to, quả (thực ra là hoa) lớn hơn quả sung, ăn được.

    Quả vả

    Quả vả

  46. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  47. Có bản chép câu cuối này thành: Mày qua lối nọ làm chi?
  48. Giòi trong xương giòi ra
    Bà con trong nhà hại nhau.
  49. Dầu chanh
    Tinh dầu làm từ vỏ chanh, mùi rất thơm và có nhiều công dụng: khử mùi, diệt khuẩn, làm đẹp...
  50. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  51. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  52. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  53. Tấc
    Đơn vị đo chiều dài. Một tấc ngày trước bằng 1/10 thước hoặc bằng 10 phân (tương đương 4 cm bây giờ), nay được chuyển thành 1/10 mét.
  54. Quản
    Người Nam Bộ đọc là quyển, một loại nhạc cụ hình ống giống như ống sáo, ống tiêu.
  55. Ba năm hai mươi bảy tháng
    Thời hạn vợ để tang chồng. Theo Thọ gia mai lễ, con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng ba năm, đời sau rút lại thành hai năm ba tháng, gọi là đại tang.
  56. Lão Húng
    Theo Lịch sử Việt Nam trong tục ngữ, ca dao (Nguyễn Nghĩa Dân): Phạm Văn Toán, tức Thượng Toán, một quan lại cao cấp, thơ không hay nhưng hay làm thơ và thích người ta khen. Toán người làng Láng, nổi tiếng trồng rau húng.
  57. Mụ Bồng
    Theo Lịch sử Việt Nam trong tục ngữ, ca dao (Nguyễn Nghĩa Dân): Cô Bồng là vợ lẽ Hoàng Cao Khải, lợi dụng chồng làm quan to, xoay xở trở nên giàu có.
  58. Cô Hồng
    Theo Lịch sử Việt Nam trong tục ngữ, ca dao (Nguyễn Nghĩa Dân): Cô Hồng tức Trần Thị Lan, lấy Tây, vì khéo giao thiệp nên gây được một dinh cơ đồ sộ.
  59. Bạch Thái Bưởi
    (1874 – 1932) Tên thật là Đỗ Thái Bửu, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông khởi nghiệp bằng nghề ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, sau đó lấn dần sang kinh doanh trong các lĩnh vực gỗ, hàng hải, mỏ, văn hóa-in ấn... và đạt được nhiều thành công, trở nên rất giàu có. Riêng về hàng hải, ông khéo sử dụng tinh thần đồng bang, cổ vũ người Việt dùng hàng Việt, nhờ đó đánh bại sự cạnh tranh quyết liệt của người Hoa và người Pháp, trở thành "chúa sông Bắc Kỳ." Ngày 22/7/1932, ông mất vì một cơn đau tim.

    Bạch Thái Bưởi được coi là một huyền thoại trong lịch sử doanh thương Việt Nam.

    Bạch Thái Bưởi

    Bạch Thái Bưởi

  60. Dặm liễu
    Một điển tích Trung Quốc, theo Hán thư: Ngày xưa ở Trung Quốc các con đường đều trồng liễu, cứ năm dặm có một cái đình gọi là "đoản đình," cứ mười dặm lại có một "trường đình" là nơi khách bộ hành vào nghỉ chân hay bẻ cành liễu tiễn biệt nhau. Do đó cách nói "dặm liễu" chỉ nơi từ biệt, cũng nói chốn xa xôi, tha hương.

    Rượu đào mấy độ vơi đầy
    Trường đình dặm liễu phân tay vội vàng

    (Lưu nữ tướng)

  61. Cố hương
    Quê cũ (từ Hán Việt).

    Sao chưa về cố hương?
    Chiều chiều nghe vượn hú
    Hoa lá rụng buồn buồn
    Tiễn đưa về cửa biển
    Những giọt nước lìa nguồn

    (Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam)

  62. Hương Ngải
    Xưa gọi là làng Ngái hay Kẻ Ngái, thuộc huyện Thạch Thất xứ Đoài, nay là một xã thuộc huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội. Truyền thuyết cho rằng có tên như vậy vì khi mới thành lập, xung quanh làng mọc rất nhiều cây ngái dại.

    Lễ rước văn ở làng Ngái

    Lễ rước văn ở làng Ngái

  63. Cổ Am
    Tên cũ là Úm Mạt, một làng nằm ở tận cùng phía đông nam huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Làng này nổi tiếng là nơi sinh ra nhiều nhân tài và học giả lớn của nước ta như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà nho Trần Lương Bật, Trần Công Hân...
  64. Cam
    Bằng lòng chịu vì cho là không thể nào khác được.
  65. Đồng Xâm
    Một làng nằm ở phía Bắc của huyện Kiến Xương, thuộc xã Hồng Thái, tỉnh Thái Bình. Làng có nghề chạm bạc truyền thống. Hằng năm làng tổ chức lễ hội vào các ngày 1-5 tháng 4 âm lịch.

    Chạm bạc ở Đồng Xâm

    Chạm bạc ở Đồng Xâm