Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đi trấn
    Đi đóng quân những vùng biên thùy để bảo vệ bờ cõi.
  2. Huê Cầu
    Nay là làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nguyên tên làng là Tân Kiều, nhưng dân chúng gọi là làng Hoa Kiều, sau trại ra thành Hoa Cầu. Đời vua Thiệu Trị, vì kỵ húy đổi là Xuân Kỳ nhưng nhân dân quen dùng tên cũ, mà đọc chệch đi là Huê Cầu, rồi thành Xuân Cầu. Làng có nghề nhuộm thâm truyền thống, đồng thời là quê hương của nhà yêu nước Tô Hiệu, nhà văn Nguyễn Công Hoan, họa sĩ Tô Ngọc Vân...
  3. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  4. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  5. Bài
    Cách làm, phương kế, cách xử trí.

    Chút chi gắn bó một hai
    Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh

    (Truyện Kiều)

  6. Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy
    Thành ngữ Hán Việt, có nghĩa là: Một lời đã nói ra thì (cỗ xe) bốn ngựa cũng khó mà đuổi kịp. Trong tiếng Việt, thành ngữ này thường được dịch thành "Một lời đã nói, bốn ngựa khó đuổi" hoặc "Một lời đã nói, bốn ngựa khó theo."
  7. Dằm
    Dấu vết chỗ ngồi, nằm, hay để đặt vật gì.
  8. Lịch
    Lịch lãm, thanh lịch. Cũng hiểu là xinh đẹp.
  9. Rui
    Thanh tre hoặc gỗ đặt theo chiều dốc của mái nhà để đỡ những thanh đặt dọc (gọi là thanh mè).

    Rui mè

    Rui mè

  10. Thanh tre, nứa hoặc gỗ nhỏ và dại được đặt dọc trên mái nhà để đỡ và buộc những tấm lợp hoặc ngói bên trên.

    Rui mè

    Rui mè

  11. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  12. Nga
    Một loại cỏ thân ống thường mọc ven sông nước ở miền Tây Nam Bộ.

    Cây nga mọc ven kênh. Ảnh chụp tại xã Bình Hàng Tây, Cao Lãnh, Đồng Tháp - Um A Hum

    Cây nga mọc ven kênh. Ảnh © Um A Hum, chụp tại xã Bình Hàng Tây, Cao Lãnh, Đồng Tháp.

  13. Hoạn dưỡng
    Nuôi nấng và chăm sóc (từ Hán Việt).
  14. Tam Bình
    Tên một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long. Huyện có đặc sản là cam sành, nổi tiếng thơm ngon và ngọt. Ngoài ra, huyện còn có khu di tích Cái Ngang, chùa Kỳ Sơn, chùa Phước Sơn.... đều là những điểm thu hút khách tham quan cả nước.
  15. "Khi vui con chị, khi buồn con em" nghĩa là muốn tất cả, cả chị lẫn em. Theo Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, muốn tất cả là "muốn luột sạp." "Muốn luột" phát âm theo kiểu miền Trung và Nam Bộ thì đồng âm với "muống luộc."

    Rau muống luộc chấm nước mắm

    Rau muống luộc chấm nước mắm

  16. Kim Dữ
    Tên một hòn đảo ngoài khơi biển Hà Tiên. Theo truyền thuyết dân gian, Kim Dữ ngày xưa là một hòn đảo nhỏ, có con giao long ẩn mình dưới núi. Khi nó cựa mình thì hòn núi bị xê dịch, có khi gần bờ, có khi xa bờ. Do núi Kim Dữ có vị trí hiểm yếu, phòng thủ, trấn giữ phía biển của trấn Hà Tiên, năm 1831, nhà Nguyễn cho đắp đồn lũy trên đảo, đặt súng thần công. Từ đó hòn đảo này có tên gọi là Pháo Đài. Địa danh Pháo Đài hiện nay là một phường thuộc Hà Tiên.
  17. Hòn Chảo
    Cũng gọi là núi Ông Chao, một quả núi nay thuộc địa phận xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Để phòng những cuộc tấn công bất ngờ của hải tặc, năm 1735 tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tích lên thay cha (Mạc Cửu) đã ra tay trấn cướp và còn cho lập trên đỉnh núi này một đàn trời rộng lớn làm nơi đốt lửa báo nguy cho Phương Thành (Hà Tiên) khi cần ứng cứu. Lưu ý phân biệt với hòn đảo cùng tên thuộc địa phận Đà Nẵng.
  18. Cổ Tron
    Cũng gọi là hòn Lớn, một hòn đảo thuộc quần đảo Nam Du, nay là xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

    Hòn Cổ Tron

    Hòn Cổ Tron

    Xem truyện ngắn Hòn Cổ Tron của nhà văn Sơn Nam.

  19. Thiên
    Trời (từ Hán Việt).

    Thiên trời địa đất
    Cử cất tồn còn

    (Tam thiên tự - soạn giả Đoàn Trung Còn)

  20. Địa
    Đất (từ Hán Việt).

    Thiên trời địa đất
    Cử cất tồn còn

    (Tam thiên tự - soạn giả Đoàn Trung Còn)

  21. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  22. Có bản chép: Chẳng thà.
  23. Ở vậy
    Ở giá, không lấy chồng (hoặc vợ).
  24. Đàng Trong
    Cũng gọi là Nam Hà, một khái niệm bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17, chỉ phần lãnh thổ Đại Việt từ sông Gianh trở vào Nam, do chúa Nguyễn kiểm soát. Đàng Trong chấm dứt sự tồn tại của nó trong lịch sử từ năm 1786, khi phong trào Tây Sơn lật đổ chế độ Vua Lê-Chúa Trịnh.

    Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710

    Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710

  25. Đàng Ngoài
    Còn có tên là Bắc Hà hoặc Đường Ngoài (ít gặp), tên gọi bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, chỉ phần lãnh thổ nước ta từ sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) trở ra Bắc, được kiểm soát bởi vua Lê - chúa Trịnh. Đến năm 1786, quân Tây Sơn tiến ra Bắc diệt Trịnh, chính thức chấm dứt chính thể Đàng Ngoài.
  26. Bánh trôi nước
    Một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, hình tròn, nhân đường phèn, trên rắc vừng hoặc sợi dừa nạo. Bánh trôi cùng với bánh chay thường được ăn trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.

    Ở miền Nam có một món ăn tương tự là chè trôi nước (cũng gọi là chè xôi nước), nhưng nhiều nước đường hơn, có khi cho thêm nước cốt dừa.

    Bánh trôi nước

    Bánh trôi nước

  27. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  28. Để chỉ sắc đẹp của người phụ nữ, nhưng hàm ý đùa cợt, mỉa mai khi người phụ nữ ấy có hành vi khoe mẽ, làm đỏm thái quá.
  29. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  30. Sao Vược
    Một số bản chép là sao Vượt, một ngôi sao trong sự tích sao Hôm, sao Mai của dân gian Việt Nam. Theo đó, sao Hôm và sao Mai vốn là hai anh em mồ côi cha mẹ, rất thương yêu nhau. Người anh bị bắt đi phu, trước khi đi dặn em trông nom chị dâu. Nghe lời anh, em đêm ngày lo lắng coi giữ chị. Em khoét một lỗ vách, đêm đêm luồn tay qua, đặt lên bụng chị để canh. Không ngờ, chị có thai. Em sợ trốn đi, đi mãi, kiệt sức chết, hóa thành sao Hôm. Người anh trở về, thấy sự rắc rối, rất giận em. Cho đến khi vợ đẻ ra một bàn tay thì anh mới hiểu em mình bị nghi oan, liền đi tìm, đi mãi, chết hóa thành sao Mai. Người vợ cũng đi tìm chồng và em, chết hóa thành sao Vược. Vì vậy sao Vược cứ lao qua lao lại giữa bầu trời như đang tìm kiếm ai đó.
  31. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  32. Võ Duy Dương
    (1827-1866) Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1862-1866) ở Đồng Tháp Mười. Ông giữ chức Thiên hộ, nên cũng được gọi là Thiên Hộ Dương. Ông sinh ra ở Bình Định, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, giỏi võ nghệ. Tháng 2/1859, Pháp đánh chiếm Gia Định rồi đánh chiếm thành Mỹ Tho (tháng 4/1861). Từ đó đến năm 1866, ông lần lượt liên kết với các thủ lĩnh nghĩa quân khác như Nguyễn Hữu Huân, Trương Định, Đốc binh Kiều, Trương Quyền... đánh Pháp. Tháng 10/1866, ông dùng thuyền theo đường biển ra Bình Thuận để cầu viện sự giúp đỡ của triều đình và liên lạc với nghĩa sĩ miền Trung nhằm gây dựng lại lực lượng, nhưng chẳng may đến cửa biển Cần Giờ thì bị cướp biển sát hại. Tại Gò Tháp (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) nay vẫn còn đền thờ ông.

    Tượng Võ Duy Dương

    Tượng Võ Duy Dương

  33. Đùm đậu
    Đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau (giữa những người nghèo khổ).
  34. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  35. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  36. Tôi
    Nung hợp kim đến nhiệt độ nhất định rồi làm nguội thật nhanh để tăng độ rắn và bền.

    Tôi cán cuốc thép

    Tôi lưỡi cuốc thép

  37. Già
    Trên mức trung bình, mức vừa dùng, mức hợp lí (thóc phơi già nắng, nước sôi già...).
  38. Quỳnh, giao
    Hai thứ ngọc quí, hay dùng để ví với những gì quí giá.

    Hài văn lần bước dặm xanh
    Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

    (Truyện Kiều)

  39. Vượt Vũ môn
    Ở thượng lưu sông Hoàng Hà (giữa huyện Hà Tân, Sơn Tây và Hán Thành, Thiểm Tây, Trung Quốc) có mõm đá như hình cái cửa. Tương truyền thời thượng cổ vua Vũ nhà Hạ trị thủy đã đục phá mõm đá này cho rộng ra, nên gọi là Vũ môn (cửa vua Vũ), cũng gọi là Cửa Vũ hay Cửa Võ. Theo Tam Tần KýThủy Kinh Chú thì Vũ môn có sóng dữ, hàng năm vào tiết tháng ba cá chép khắp nơi kéo về vượt qua Vũ môn, con nào nhảy qua được thì hóa rồng. Nhân đó, cửa Vũ dùng chỉ chốn trường thi và thi đỗ gọi là vượt Vũ môn.

    Theo Đại Nam nhất thống chí thì ở nước ta cũng có Vũ môn ở dãy núi Khai Trường huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là dòng suối có ba bậc. Tương truyền hàng năm đến tháng 4 mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng chảy qua Vũ môn để hóa rồng.

  40. Bốn câu trong câu đố này mô tả những công dụng của cái võng.