Tìm kiếm "Giờ Sửu"

Chú thích

  1. Chim sa, cá lụy
    Theo mê tín, chim sa xuống và cá chết là những điềm báo xui xẻo.
  2. Sông Bứa
    Một con sông chảy qua các tỉnh Sơn La, Phú Thọ rồi đổ ra sông Thao. Trước đây trên sông này có nhiều cá măng.

    Một khúc sông Bứa

    Một khúc sông Bứa

  3. Sông Thao
    Tên gọi của sông Hồng, đoạn từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đến "ngã ba sông" ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô và sông Đà đổ vào sông Hồng. Sông Thao gắn liền với những chiến công oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
  4. Ba Vì
    Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.

    Ba Vì được xem là dãy núi tổ của dân tộc ta.

    Ba Vì

    Ba Vì

  5. Tiền môn
    Cửa trước (từ Hán Việt).
  6. Bình phong
    Bức vách làm bằng các tấm gỗ, mây tre đan hoặc gạch đất. Ngoài tác dụng chắn gió hoặc ngăn không gian trong nhà, bình phong còn dùng để trang trí.

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

  7. Quy
    Con rùa (từ Hán Việt).
  8. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua

  9. Cá hóa long
    Cá hóa rồng. Theo truyền thuyết phương Đông, cá chép có thể vượt vũ môn và hóa thành rồng. Nghĩa bóng chỉ việc học hành đỗ đạt, có công danh.
  10. Đây được cho là hai câu hát mỉa mai nhau của hai nhà họ Nguyễn và họ Hồ, đều là bá hộ làng Niêm Phò ngày trước (nay thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế). Họ Hồ có cô con gái tên Qui, họ Nguyễn có người con trai tên Mại. Hai ông chồng đều muốn làm sui với nhau nhưng hai bà vợ không chịu nên mới có câu hát đối đáp nhau như thế. Nguyễn Văn Mại sau này đỗ đạt cao, làm đến quan nhất phẩm triều Nguyễn. (Theo sách Cố đô Huế của Thái Văn Kiểm)
  11. Người không
    Người lười biếng, ăn không ngồi rồi.
  12. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  13. Rạch Lá
    Tên gọi khác của sông Tra, một nhánh của sông Vàm Cỏ. Trong cuộc khởi nghĩa Gò Công của người anh hùng Trương Định, rạch Gò Công và rạch Lá là hai chiến lũy quan trọng.
  14. Võ Tánh
    Danh tướng triều Nguyễn dưới thời Nguyễn Ánh. Ông có công giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn và mất trước khi nhà Nguyễn chính thức thành lập.

    Năm 1800, ông và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ thành Bình Định. Thành bị hai đại tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây suốt 18 tháng liền. Đến ngày 7/7/1801, nhắm không cầm cự được nữa, ông cho người trao Trần Quang Diệu bức thư xin tha chết cho quân sĩ trong thành, rồi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, châm ngòi tự vẫn.

    Đương thời, ông được xếp cùng với Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp là "Gia Định tam hùng" (ba người hùng đất Gia Định). Ông giữ chức Hậu quân nên nhân dân yêu mến gọi ông là quan Hậu, hoặc ông Hậu.

    Lăng Võ Tánh

    Lăng Võ Tánh

  15. Thực ra quê của Võ Tánh là ở Biên Hòa, nhưng vì lúc khởi binh chống nhà Tây Sơn ông đã chiếm cả vùng Gò Công và giương cờ "Khổng Tước Nguyên Võ" (tiếng Hán: Nguyên = Gò; Khổng Tước = Công) nên được kể đến trong câu ca dao này.
  16. Trương Định
    Còn có tên là Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, một võ quan dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp trong giai đoạn 1859-1864. Ông sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều, bắt đầu chống Pháp. Ông tổ chức lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp, ra lệnh cho tất cả các lực lượng chống Pháp phải bãi binh. Trương Định kháng mệnh vua, rút quân về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân, và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục đánh Pháp. Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương và rút gươm tự sát lúc rạng sáng ngày 20. Khi ấy, ông 44 tuổi.

    Trương Định

    Trương Định

    Xem vở cải lương Cờ nghĩa giồng Sơn Quy nói về cuộc khởi nghĩa Trương Định.

  17. Cố hương
    Quê cũ (từ Hán Việt).

    Sao chưa về cố hương?
    Chiều chiều nghe vượn hú
    Hoa lá rụng buồn buồn
    Tiễn đưa về cửa biển
    Những giọt nước lìa nguồn

    (Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam)

  18. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  19. Đoài
    Phía Tây.
  20. Có bản chép: Như mật rót vào ve.
  21. Hoạn nạn tương cứu, sinh tử bất ly
    Hoạn nạn thì cứu giúp nhau, sống hay chết cũng không rời nhau.
  22. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  23. Vu quy
    Về nhà chồng.
  24. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  25. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  26. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Ri
    Thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  29. Phỉnh phờ
    Nói dối hoặc dùng lời lẽ ngọt ngào đường mật để dụ dỗ người khác.
  30. Lũy
    Công trình bảo vệ một vị trí, thường đắp bằng đất.

    Lũy Trường Sa (Đồng Hới, Quảng Bình)

    Lũy Trường Sa (Đồng Hới, Quảng Bình)

  31. Thiên hương
    Hương trời. Chỉ vẻ mặn mà của người đàn bà đẹp. Cành thiên hương (cành hoa thơm của trời) cũng được dùng để chỉ người đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  32. Dĩa bàng thang
    Dĩa làm bằng sứ, lớn, thường dùng để đựng đồ thờ cúng.
  33. Tôm càng
    Một loài tôm lớn nước ngọt có càng dài. Tôm càng có thể dài đến 30 cm, là một loại hải sản có giá trị và nhiều dinh dưỡng. Trong lúc còn là ấu trùng, tôm càng sống ở nước lợ, nhưng khi trưởng thành chúng sống hoàn toàn ở nước ngọt. Vì là một loại hải sản quý, tôm càng được chăn nuôi rộng rãi ở nước ta.

    Tôm càng xanh

    Tôm càng xanh

  34. Tôm he
    Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...

    Tôm he

    Tôm he

  35. Ban cua lưỡi trắng
    Bệnh thương hàn, da nổi mẩn đỏ, lưỡi trắng.
  36. Đình Khao
    Tên một ngôi đình nằm ven sông Cổ Chiên, nay thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ngôi đình này vừa là nơi thờ Thành hoàng, vừa là nơi binh lính hoàn thành quân ngũ tập hợp về để được khao thưởng (nên mới có tên là Đình Khao). Theo một số tài liệu, đình Khao được xây cất từ thời Gia Long thứ 16 (Đinh Sửu - 1817). Năm 1867, sau khi đánh chiếm ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, thực dân Pháp cho triệt hạ hết các thành trì, dinh thự, lăng tẩm... của nhà Nguyễn, đình Khao và vật thờ trong đình đều bị hủy hoại. Khoảng bảy năm sau, dân làng lập chùa Bửu Lâm Tự trên nền đất cũ của đình. Đến năm 1945, giặc Pháp mở đợt ruồng bố ven sông Cổ Chiên, đốt chùa Bửu Lâm. Năm 1961, chùa được dựng lại bằng cây, mái ngói, rồi dần dần được xây dựng khang trang như hiện nay.

    Tại khu vực này cũng có các địa danh liên quan như phà Đình Khao, trung tâm hành hương Đình Khao...

    Cầu xuống phà Đình Khao

    Cầu xuống phà Đình Khao

  37. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu
    Những vật có cùng tiếng thì đáp lại nhau, những vật có cùng khí chất thì tìm đến nhau. Ý nói người hay vật có cùng bản chất thì hòa hợp với nhau, những người có cùng chí khí thì tìm đến với nhau.
  38. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  39. Đãi bôi
    (Nói chuyện) niềm nở nhưng giả dối, không thực lòng. Theo học giả An Chi, từ này có thể bắt nguồn từ chữ Hán đãi 紿 (lừa dối) và bội 倍 (phản, trái lại). Một số địa phương Nam Bộ phát âm thành đãi buôi hoặc bãi buôi.
  40. Dong
    Một loại cây thân thảo có lá rộng, được dùng chủ yếu để gói bánh chưng, bánh tét, bánh nếp, bánh tẻ. Bánh gói lá dong sau khi luộc có mùi thơm đặc biệt và dễ chịu. Lá dong còn được dùng để cất giấm bằng cách ngâm lá với rượu hoặc nước đường.

    Gói bánh bằng lá dong

    Gói bánh bằng lá dong

  41. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  42. Hoàng thiên
    Trời vàng (từ Hán Việt). Gọi vậy vì mặt trời có màu vàng.

    Hoàng thiên hậu thổ soi xét lòng này. Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết.
    (Tam Quốc diễn nghĩa, Phan Kế Bính dịch)

  43. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  44. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  45. Nỏ thiết mô
    Không ham đâu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).