Tìm kiếm "giáp nhị"

  • Đèn nào cao bằng đèn ông Chánh

    Đèn nào cao bằng đèn ông Chánh
    Bánh nào trắng bằng bánh bò bông
    Chị hai ơi, sao chị vội lấy chồng?
    Đêm nằm nghĩ tới, nước mắt hồng như tuôn

    Dị bản

    • Đèn nào cao bằng đèn Ông Chánh
      Bánh nào trắng bằng bánh bò bông
      Trách ai ăn ở hai lòng
      Sang sông rồi nỡ quên công người chèo

    • Đèn nào cao bằng đèn ông Chánh
      Bánh nào trắng bằng bánh bò bông
      Điệu nào thương cho bằng điệu vợ với chồng
      Đêm năm canh hò vọng cho nước mắt hồng tuôn rơi

    • Đèn nào cao bằng đèn Ông Chánh
      Bánh nào trắng bằng bánh bò bông
      Đạo nào thâm bằng đạo vợ chồng
      Đêm năm canh hoài vọng nước mắt hồng đầy vơi

    • Đèn nào cao bằng đèn ông Chánh
      Bánh nào trắng bằng bánh bò bông
      Anh thương em từ thuở má bồng
      Bây giờ em lớn, có chồng bỏ anh

    • Đèn nào cao bằng đèn Ông Chánh
      Bánh nào trắng bằng bánh bò bông
      Anh đi Lục tỉnh giáp vòng
      Đến đây trời khiến đem lòng thương em

Chú thích

  1. Đèn ông Chánh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đèn ông Chánh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  2. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  3. Điệu
    Đạo (đạo anh em, đạo vợ chồng...).
  4. Thâm
    Sâu (từ Hán Việt).
  5. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  6. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808