Tìm kiếm "sở cầu"

Chú thích

  1. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  2. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Thon von
    Cô độc, không người thân thích (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  6. Trà Quế
    Tên một ngôi làng nằm cách phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam khoảng 3 km về hướng Đông Bắc. Tại đây có nghề truyền thống là trồng rau, nên còn gọi là làng rau Trà Quế.

    Tưới rau ở làng rau Trà Quế

    Một vườn rau Trà Quế

  7. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  8. Lục Lễ
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
  9. Có bản chép là "Luật Lễ."
  10. Soi Bún
    Cũng gọi là Soi Búng, địa danh nay thuộc thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại đây có nghề truyền thống là trồng dưa (chủ yếu là dưa hấu).
  11. Quốc cấm
    Bị pháp luật cấm.
  12. Máu hàn
    Cơ thể ở tạng lạnh, với những biểu hiện như: sợ rét, chân tay lạnh...
  13. Người máu hàn không nên ăn thịt trâu vì thịt trâu có tính lạnh.
  14. Phá ngang
    Cố ý làm ảnh hưởng, làm hỏng công việc đang làm của người khác.
  15. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  16. Khoai hà
    Khoai bị bệnh đốm đen, khi luộc không mềm, vị đắng không ăn được, còn gọi là khoai rím.
  17. Lộc
    Chồi lá non của cây. Vì chữ này đồng âm với "lộc" trong "phước lộc," "tài lộc," nghĩa là những điều tốt lành do trời ban cho, nên ở nước ta có phong tục hái lộc đầu năm để cầu may mắn, hạnh phúc cả năm.
  18. Khoai mì
    Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).

    Khoai mì luộc

    Khoai mì luộc

  19. Si
    Một loại cây gỗ lớn, tán rộng, cành lá xanh tốt, có rất nhiều rễ phụ. Lá cây si có thể dùng làm thuốc, quả ăn được nhưng rất chát. Cũng có những loại si nhỏ được trồng làm cây cảnh.

    Cây si

    Cây si

  20. Chắc
    Nhau (phương ngữ Quảng Bình). Đánh chắc nghĩa là đánh nhau. Một chắc hoặc riêng chắc nghĩa là một mình.

    Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni:
    Dân chúng cầm tay lắc lắc:
    “Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc!”

    (Nhớ - Hồng Nguyên)

  21. Chữ thiên 天 (trời) thêm nét đầu cho nhô cao một chút nữa sẽ thành chữ phu 夫 (chồng).Ý chàng trai muốn làm quen với người phụ nữ nhưng lại sợ người ta có chồng rồi.
    Chữ phu 夫 có thêm “vết vai” thành chữ thất 失 (mất). Ý người phụ nữ muốn nói, tuy cô đã có chồng nhưng chồng cô cũng đã mất rồi.
  22. Kim Long
    Tên một ngôi làng thuộc đất Hà Khê, phía Tây thành nội Huế. Năm 1636, chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Nguyễn Phước Lan dời phủ đến xứ này và đổi tên Hà Khê thành Kim Long (rồng vàng). Làng Kim Long thành phủ Kim Long. Phủ Kim Long tồn tại 51 năm, sau đó năm 1687, phủ chính được dời về làng Phú Xuân. Tên Kim Long hiện nay được dùng khá phổ biến tại vùng Kim Long xưa như: phường Kim Long, đình Kim Long, cầu Kim Long, chợ Kim Long, bến đò Kim Long, và đường Kim Long.

    Trước đây vùng đất này có tên là Kim Luông. Theo học giả An Chi, chữ Luông trong địa danh này chính là âm gốc của chữ Long (rồng).

    Sơ đồ thủ phủ Kim Long

    Sơ đồ thủ phủ Kim Long

  23. Nam Phổ
    Còn gọi là Nam Phố, tên một làng nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tại đây có một đặc sản nổi tiếng là bánh canh Nam Phổ. Trước đây ở vùng đất này cũng có nghề trồng cau truyền thống - cau Nam Phổ là một trong những sản vật tiêu biểu của Phú Xuân-Thuận Hóa ngày xưa.

    Bánh canh Nam Phổ

    Bánh canh Nam Phổ

  24. Làng Sình
    Còn gọi là làng Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
  25. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  26. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  28. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  29. Ngã ba Sình
    Ngã ba sông nơi gặp nhau giữa sông Hương và sông Bồ trước khi xuôi về phá Tam Giang đổ ra biển. Đây cũng là nơi sinh tụ của nhiều làng nghề như tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên cùng với các hoạt động văn hóa đặc sắc. Video về Ngã ba Sình

    Ngã ba Sình

    Ngã ba Sình

  30. Trà Quế có nghề trồng rau, nên phải gánh nước tưới rau.
  31. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).