Anh nguyền cùng em Chợ Giã cho chí cầu Đôi
Nguyền lên Cây Cốc, vạn Gò Bồi giao long
Anh nguyền cùng em thành Cựu cho chí thành Tân
Cầu Chàm, Đập Đá, giao lân kết nguyền
Trung Dinh, Trung Thuận cho chí Trung Liên
Trung Định, Trung Lý cũng nguyền giao ca
Tìm kiếm "quy tu"
Chú thích
-
- Chợ Giã
- Còn gọi là chợ Quy Nhơn, một phiên chợ ở tỉnh Bình Định, thuộc làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay), cùng với chợ Thị Nại (chợ Quy Nhơn ngày nay) là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư cụ dưới thời nhà Nguyễn.
-
- Cầu Đôi
- Tên chung của hai cây cầu song song nhau, một dành cho xe lửa và một dành cho đường bộ, nằm ở cửa ngõ thành phố Quy Nhơn, Bình Định, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại.
-
- Cây Cốc
- Tên một cái đèo ở tỉnh Bình Định.
-
- Gò Bồi
- Tên một vạn (làng chài) thuộc làng Tùng Giản, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nơi sông Côn đổ ra biển. Thị trấn Gò Bồi xưa giữ vị trí khá quan trọng trong giao lưu, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh. Đặc biệt ở đây có nghề làm nước mắm truyền thống từ hai trăm năm trước.
Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
Nên đến già thơ anh còn đậm đà thấm thía.
(Đêm ngủ ở Tuy Phước - Xuân Diệu)
-
- Đồ Bàn
- Tên một thành cổ nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, cách thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định) 27 km về hướng tây bắc. Đây là kinh đô của Chăm Pa trong thời kỳ Chăm Pa có quốc hiệu là Chiêm Thành. Thành Đồ Bàn còn có tên là Vijaya, thành cổ Chà Bàn, thành Hoàng Đế, hoặc thành Cựu.
-
- Thành Bình Định
- Tên một tòa thành cổ, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1814 với vai trò là thủ phủ trung tâm của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định, hiện nay thuộc đường Lê Hồng Phong, phường Bình Định, trung tâm thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thành được sử dụng trong thời gian 132 năm, từ năm 1814 đến năm 1946. Từ năm 1946, do cuộc chiến tranh với Pháp thành đã bị phá hoàn toàn. Hiện nay chỉ còn biểu tượng của ngôi nhà đón khách còn sót lại và cổng thành phía đông (cửa đông) được xây dựng lại, bên trên có tầng lầu. Thành Bình Định được dân gian gọi là thành Tân, đối lại với thành Cựu (thành Đồ Bàn).
-
- Đập Đá
- Một địa danh nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày xưa đây là vùng sông nước, nhân dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá. Nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng: dệt vải, rèn, đúc đồng, gốm, kim hoàn...
Hiện nay Đập Đá là một địa điểm du lịch có tiếng của Bình Định.
-
- Giao lân
- Đi lại (giao) với hàng xóm láng giềng (lân).