Những bài ca dao - tục ngữ về "Trần Khánh Dư":

  • Chim quyên xuống đất ăn giun

    Chim quyên xuống đất ăn giun
    Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than

    Dị bản

    • Chim quyên xuống đất ăn trùn
      Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than
      Đốt than thì phải sàng than
      Làm sao đừng để lấm gan anh hùng

    • Chim quyên xuống đất ăn trùn
      Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than
      Đốt than cháy rổ, cháy sàng
      Chiều về xuống biển đào hang bắt còng
  • Bạn có biết?

    Phan Bá Vành là tên thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra từ năm 1821 đến năm 1827 dưới thời Minh Mạng. Tương truyền ông là người rất khỏe mạnh và giỏi võ nghệ, nhờ theo học một thầy dạy võ nổi tiếng trong vùng. Thầy có nhiều con trai cũng học võ, nhưng chỉ có người con thứ tên Ba Rãng là theo kịp tài nghệ của Ba Vành. Thuở ấy có một câu ca dao khen ngợi tài đánh đao của hai ông.

Chú thích

  1. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  2. Vận
    Sự may rủi lớn xảy ra trong đời một con người, vốn đã được định sẵn từ trước theo quan điểm của Phật giáo (chữ Hán).
  3. Câu ca dao được cho là nói về Trần Khánh Dư. Ông nguyên con nhà dòng dõi, có công đánh giặc được phong tước Nhân Huệ Vương, lại được Thượng hoàng Trần Thánh Tông nhận làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi của vua). Sau vì phạm trọng tội với gia đình Trần Hưng Đạo nên phải cách hết chức tước, tịch thu gia sản, ông lui về quê nhà ở Chí Linh (nay thuộc tỉnh Hải Dương) làm nghề bán than. Sau ông được Trần Nhân Tông phục chức, góp công rất lớn trong cuộc chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba.
  4. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  5. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng