Con cá dưới sông mắc câu Hàn Tín
Con chim trên rừng mắc ná Thạch Sanh
Làm trai quân tử như anh
Ở nuôi phụ mẫu chờ cái duyên lành mai sau
Những bài ca dao - tục ngữ về "Thạch Sanh":
-
-
Nữ nhi là phận tam tùng
Nữ nhi là phận tam tùng
Tới đây em hỏi góp anh hùng:
Ai mà đem lửa đốt cung nhà Tần?
Ai mà ôm khảy đờn thần?
Ai làm rung chuyển hồng trần một khi?
Ai mà ngắt ngọn rau vi?
Ai mà tưởng Phật ngồi thì bồng lai?
Ai mà sanh đặng tám trai?
Lại thêm hai gái sắc tài in nhau?
Ai mà mắt sáng như thau?
Ai mà bắt gả con đào về Phiên?
Ai mà hãm hại Vân Tiên?
Ai mà nhảy xuống huỳnh tuyền uổng oan?
Phận gái em hỏi tràn lan
Như nam nhi anh đối đặng
Thời nữ em nguyền ôm gói theo anh! …
Chú thích
-
- Hàn Tín
- Một danh tướng thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, có công giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Ông cùng với Trương Lương và Tiêu Hà được đời sau xưng tụng là Hán triều tam kiệt (ba vị hào kiệt nhà Hán). Sau khi thiên hạ bình định, Hán Cao Tổ Lưu Bang vì e ngại tài năng của Hàn Tín nên giáng chức ông xuống thành Hoài Âm hầu, tước quyền bính. Đến năm 196 TCN, Hàn Tín mưu phản, bị Lã Hậu giết cả ba họ.
Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín là một trong những danh tướng được nhắc đến nhiều nhất. Nhiều điển tích, điển cố như cơm phiếu mẫu, lòn trôn giữa chợ, câu nói "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn..." là từ ông mà ra.
-
- Ná
- Dụng cụ bắn đá cầm tay, thường làm từ một chạc cây hoặc bằng hai thanh tre ghép với nhau, đầu có dây cao su để căng ra. Từ này có nguồn gốc từ tiếng Khmer sna.
-
- Thạch Sanh
- Nhân vật chính trong truyện cổ tích và truyện thơ Nôm cùng tên, ra đời vào khoảng thế kỉ 18. Thạch Sanh là một chàng trai đốn củi hiền lành, kết nghĩa anh em với Lý Thông. Mẹ con Lý Thông bày mưu kế để giết Thạch Sanh, nhưng chàng đều thoát nạn. Cuối truyện, Thạch Sanh kết hôn cùng công chúa, nối ngôi vua, còn mẹ con Lý Thông thì bị sét đánh chết và hóa thành bọ hung.
-
- Phụ mẫu
- Cha mẹ (từ Hán Việt).
-
- Tam tòng
- Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:
Tại gia tòng phụ: khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.
-
- Tần
- Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.
-
- Hồng trần
- Bụi hồng (từ cũ, văn chương). Tự điển Thiều Chửu giảng: Sắc hồng là mầu đỏ tươi hơn các sắc đỏ khác, cho nên gọi các kẻ được yêu dấu vẻ vang là hồng. Chốn bụi hồng là chỉ các nơi đô hội.
Đùng đùng gió giật mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
(Truyện Kiều)
-
- Núi Bồng Lai
- Một vùng cảnh đẹp thần tiên trong thần thoại Trung Quốc. Truyền thuyết này du nhập vào Nhật Bản và trở thành truyền thuyết về Hōrai. Theo đó, có thuyết cho rằng núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ. Bồng Lai cũng là tên một thị xã ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhưng chưa có chứng cứ xác thực liệu đây có phải là nơi mà thần thoại miêu tả hay không. Cụm từ "bồng lai tiên cảnh" nay được dùng phổ biến để chỉ những nơi cảnh đẹp như chốn thần tiên.
-
- Sanh
- Sinh.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Con đào
- Cách người Nam Bộ trước đây gọi người con gái.
-
- Thổ Phồn
- Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
-
- Lục Vân Tiên
- Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.
Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.
-
- Suối vàng
- Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho
(Truyện Kiều)
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."