Những bài ca dao - tục ngữ về "phong trào duy tân":

  • Chiều chiều ông Ngự ra câu

    Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
    Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
    Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
    Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
    Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non

    Dị bản

    • Chiều chiều ông Ngự ra câu
      Cái ve cái chén cái bầu sau lưng
      Trước bến Văn Lâu
      Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm
      Ai thương ai cảm, ai nhớ, ai mong
      Thuyền ai thấp thoáng bên sông
      Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non

  • Vè xin xâu

    Lẳng lặng mà nghe
    Cái vè xin thuế
    Mùa màng mất tệ
    Buôn bán không ra
    Kẻ gần người xa
    Cũng nghèo cũng khổ
    Hai đồng xâu nọ
    Bảy ngày công sưu
    Cao đã quá đầu
    Kêu đà ngắn cổ
    Ở đâu ở đó
    Cũng rúc mà ra
    Kẻ kéo xuống Tòa
    Người nằm trên tỉnh
    Đông đà quá đông
    Trong tự Hà Đông
    Ngoài từ Diên Phước

  • Vè cúp tóc

    Cúp hè! Cúp hè!
    Tay mặt cầm kéo
    Tay trái cầm lược
    Thủng thỉnh cho khéo
    Bỏ cái ngu này
    Bỏ cái dại này
    Ăn ngay nói thẳng
    Học mới từ đây
    Cúp hè! Cúp hè!
    Trên đường canh tân
    Đừng ai ăn mặn
    Đừng ai nói láo
    Ngày nay ta cúp
    Ngày mai ta cạo
    Cúp hè! Cúp hè!
    Mọi người cùng cúp
    Cho sạch đầu tóc
    Cho đẹp con người
    Ai nấy thảnh thơi
    Xóm làng trông cậy
    Cúp hè! Cúp hè!
    Ai đi đò dọc
    Kẻ ngược người xuôi
    Ai ngồi tàu suốt
    Từ Bắc vô Nam
    Lên ngàn xuống bể
    Cúp hè! Cúp hè!
    Từ sĩ đến nông
    Từ công đến thương
    Đi chài, dệt sợi
    Trăm người như một
    Bảo nhau cúp tóc
    Cúp hè! Cúp hè!

Chú thích

  1. Phu Văn Lâu
    Một tòa lầu nằm trong khu di tích Hoàng thành Huế, nằm ở mặt Nam của hoàng thành và sát bờ sông Hương. Thời nhà Nguyễn đây là nơi trưng bày văn thư và niêm yết những chỉ dụ của triều đình.

    phu-van-lau

    Phu Văn Lâu

  2. Hò mái đẩy
    Một trong những làn điệu dân ca phổ biến ở vùng Thừa Thiên - Huế, thường được hò những khi thuyền chở nặng hoặc phải vượt qua thiên tai, địa hình hiểm trở. Người chèo thuyền thường phải làm chân sào lớn và mạnh để có thể chống đẩy, ngoài ra phải ra sức đẩy mạnh tay chèo, nên loại hò này thường ngắn, nhịp điệu mạnh mẽ, chắc nịch. Nội dung hò mái đẩy thường là châm chọc, chế giễu lẫn nhau.
  3. Bài này nguyên là thơ của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, đi vào lòng dân chúng lâu ngày mà thành ca dao.
  4. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  5. Có ý kiến cho rằng bài này chỉ phong trào Văn Thân bí mật liên lạc với vua Duy Tân để tìm đường cứu nước. Năm 1915, đảng Việt Nam Quang Phục cử Trần Cao Vân và Thái Phiên hợp tác với vua Duy Tân mưu đồ khởi sự. Họ hẹn gặp nhau trên bờ sông Ngự Hà, một con sông chảy từ Tây sang Đông kinh thành Huế, giả làm người đi câu để tránh tai mắt địch.
  6. Năm câu sau nguyên là thơ của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
  7. Sưu thuế
    Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
  8. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  9. Đây là Tòa Đại lí Tam Kỳ chứ không phải Tòa Công sứ Hội An (theo Nguyễn Q. Thắng).
  10. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  11. Diên Phước
    Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
  12. Cúp
    Cắt (đọc theo âm tiếng Pháp của couper).
  13. Canh tân
    Cải cách theo lối mới.
  14. Bài Vè cúp tóc này theo truyền văn là của Phan Khôi viết năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng.