Những bài ca dao - tục ngữ về "nghiên mực":

  • Có đêm ra đứng đàng tây

    Có đêm ra đứng đàng tây
    Trông lên lại thấy bóng mây tà tà
    Có đêm ra đứng vườn hoa
    Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh
    Có đêm thơ thẩn một mình
    Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
    Có đêm tạc đá ghi vàng
    Ngày nào em chả nhớ chàng chàng ơi
    Thương chàng lắm lắm không nguôi
    Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than
    Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
    Khát khao vì nết mơ màng vì duyên
    Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
    Như mực nhớ giấy như thuyền nhớ sông
    Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
    Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây
    Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây
    Sư ông nhớ Bụt rày nhớ chuông
    Nhớ chàng vì nợ vì duyên
    Vì ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng.

    Dị bản

    • Đêm đêm ra đứng vườn hoa
      Ngó lên trông thấy sao tà xanh xanh
      Đêm đêm ra đứng một mình
      Đêm dài thức trắng năm canh rõ ràng
      Có đêm tạc đá ghi vàng
      Ngày nào anh chẳng nhớ nàng nàng ôi
      Thương nàng lắm lắm nàng ôi
      Nhớ miệng ai nói, nhớ lời ai than
      Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
      Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
      Bao giờ nên vợ nên chồng
      Như chim về tổ như rồng gặp mây

    Video

Chú thích

  1. Liễn
    Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.

    Liễn

    Liễn

  2. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  3. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tam Quăng.
  4. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  5. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  6. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  7. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  8. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  9. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt