Những bài ca dao - tục ngữ về "loan phượng":

  • Trầu này trầu quế trầu hồi

    Trầu này trầu quế trầu hồi
    Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình
    Trầu này trầu tính trầu tình
    Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình lấy ta
    Trầu này têm tối hôm qua
    Giấu cha giấu mẹ đem ra cho chàng
    Trầu này không phải trầu hàng
    Không bùa không thuốc sao chàng không ăn?
    Hay là chê khó chê khăn?
    Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu

Chú thích

  1. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  2. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  3. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  4. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  5. Quế, hồi là những loài cây quý hiếm. Loan, phượng là những con vật thiêng, tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Ở đây ý nói sự tương kính, luyến ái giữa đôi trai gái mời trầu nhau. (Trầu quế cũng là tên một loại trầu ở nước ta.)
  6. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  7. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng