Ai về Khương Hạ, Đình Gừng
Dưa chua, cà muối, xin đừng quên nhau
Dù ai buôn đâu bán đâu
Cũng không bỏ được cống Ngâu chợ Chùa
Những bài ca dao - tục ngữ về "Khương Hạ":
-
-
Vè ở tù
Chiều chiều vào khám
Như công chúa vào lầu
Bận áo không bâu
Như mình mang thiết giáp
Thầy chú đánh đạp
Như thí võ Tràng An
Quần áo lang thang
Như mình mang giáp trụ
Tuông bờ lướt bụi
Như Khương Thượng tán binh …
Chú thích
-
- Khương Hạ
- Tên một làng nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trước đây làng có nghề làm đồ chơi dân gian, nhưng hiện đã mai một.
-
- Đình Gừng
- Một ngôi đình nay thuộc Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, thờ thần sông Tô Lịch và Lê Dương Vệ. Nơi đây từng được quân Quang Trung chứa vũ khí để đánh đuổi quân Thanh. Vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, dân làng tổ chức lễ hội, gọi là hội Đình Gừng, bao gồm lễ chạy mã, múa rồng, múa sư tử, cờ người, vật, hát chèo...
-
- Cống Ngâu chợ Chùa
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cống Ngâu chợ Chùa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bâu
- Cổ áo.
-
- Trường An
- Kinh đô Trung Quốc thời nhà Hán và nhà Đường, ngày nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Hán và Đường là hai triều đại có thời gian cai trị lâu dài, có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các nước lân cận, vì thế "Trường An" hay "Tràng An" cũng được dùng để phiếm chỉ nơi kinh đô. Ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê, và kinh đô Thăng Long thời Lí, Trần, Hậu Lê đều được gọi là Tràng An.
-
- Giáp trụ
- Từ chữ giáp 甲 áo dày, áo giáp, và trụ 冑 mũ đội ra trận để phòng tên đạn.
-
- Khương Thượng
- Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.
Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.