Những bài ca dao - tục ngữ về "hươu mang":

  • Mười lo

    Một lo con nít trắng răng
    Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
    Ba lo thầy bói té nhào
    Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
    Năm lo thợ đúc méo khuôn
    Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
    Bảy lo bà chúa chửa hoang
    Tám lo trai làng không vợ chạy rông
    Chín lo trong ngục không gông
    Mười lo ngoài đồng không đất chôn ma

    Dị bản

    • Một lo em bé trắng răng,
      Hai lo người thấp không bằng người cao.
      Ba lo thầy bói té rào,
      Bốn lo con đĩ miệng chào khách buôn
      Năm lo thợ đúc có khuôn,
      Sáu lo kẻ ở trên nguồn gian nan.
      Bảy lo bà góa chửa hoang,
      Tám lo dân làng hết gạo đi xâu
      Chín lo biển rộng hơn cầu,
      Mười lo bà vãi trọc đầu khó coi.

  • Núi rừng thì có hươu mang

    Núi rừng thì có hươu mang
    Khe suối thì có măng giang
    Chợ tỉnh có mụ bán hàng
    Đò dọc có đò ngang
    Biết bao giờ em được lấy chàng
    Núi rừng trả lại cho hươu mang
    Khe suối trả lại cho măng giang
    Chợ tỉnh trả lại cho mụ bán hàng
    Đò dọc trả lại cho đò ngang
    Ai mô trả nấy, thiếp với chàng kết duyên

Chú thích

  1. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  2. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  3. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  4. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  5. Con mang
    Con vật giống như con hoẵng nhưng nhỏ hơn.

    Mang Trường Sơn

    Mang Trường Sơn

  6. Măng
    Thân tre, trúc khi vừa nhú lên khỏi mặt đất, còn non, ăn được.

    Măng tre

    Măng tre

  7. Giang
    Một loại tre thân nhỏ vách dày, thân khá cao, mọc thành cụm, lá xanh đậm. Cũng ghi là dang ở một số văn bản.

    Rừng dang

    Rừng giang

  8. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).