Những bài ca dao - tục ngữ về "chuối xiêm":

  • Bánh cả mâm sao em kêu rằng bánh ít

    – Bánh cả mâm răng gọi là bánh ít
    Trầu cả chợ răng nói trầu không
    Trai nam nhơn đối đặng sẽ làm chồng nữ nhi
    – Chuối không qua Tây răng gọi là chuối sứ
    Cây không biết chữ răng gọi là thông
    Nam nhơn đà đối đặng quyết làm chồng nữ nhi

    Dị bản

    • Bánh cả mâm, sao em kêu rằng bánh ít?
      Trầu cả chợ, sao em gọi là trầu không?
      Trai nam nhi không đối đặng
      Gái má hồng xin thử đối xem!

Chú thích

  1. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  3. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  4. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  5. Chuối sứ
    Có nơi gọi là chuối tây hoặc chuối xiêm, một giống chuối cho quả mập và ngắn, có thể ăn tươi, ép sấy khô, hoặc nấu canh.

    Chuối xiêm

    Chuối xiêm

  6. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)