Mắm trước, đước sau, tràm theo sát
Sau hàng dừa nước mái nhà ai
Những bài ca dao - tục ngữ về "cây tràm":
Chú thích
-
- Mắm
- Một loại cây rừng ngập mặn, gặp rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có bốn loại mắm: mắm lưỡi đồng, mắm đen, mắm ổi, mắm quăn. Tuy có giá trị kinh tế không đáng kể, mắm cùng các loại cây khác như bần, đước... giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ đất, lấn biển.
-
- Đước
- Một loại cây rất thường gặp ở miền Tây Nam Bộ. Cây đước mọc thành rừng ở các vùng bờ biển bùn lầy, có bộ rễ rất lớn gồm một rễ cọc và rất nhiều rễ phụ đâm sâu xuống, giúp cây bám chặt lấy đất. Rừng đước ngập mặn có một vai trò rất lớn trong việc chống xói lở đất, giữ phù sa, cải tạo đất, đồng thời là môi trường sinh thái cho nhiều loài động vật nhỏ khác.
-
- Tràm
- Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.
-
- Dừa nước
- Một loài cây thuộc họ Cau, thân mọc ngang trong bùn, lá và cuống hoa đâm lên trên, tán lá khá cao và rộng. Dừa nước sinh trưởng rất dễ dàng nơi nước chảy chậm, bùn lầy phù sa: hạt dừa nước già trôi nổi theo thủy triều, có khi nảy mầm ngay trong nước, mọc thành cây khi dạt vào bùn. Người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nước ta rất quen thuộc với loài cây này vì gần như ở ven bờ kênh rạch nào, dừa nước cũng mọc thành hàng rậm rạp; hơn nữa lá dừa nước là vật liệu chính để lợp nhà tại đây. Tuy trái và mật cuống hoa dừa nước chứa nhiều dinh dưỡng, nhưng người dân nước ta chưa chú ý đến nguồn lợi này.
-
- Bài ca dao này tả lại quá trình lấn biển tự nhiên gắn liền với sự hình thành làng xóm ở vùng đồng bằng ven biển Nam Bộ nước ta. Ban đầu, ở bờ biển, cây mắm và cây đước giữ lại phù sa, mọc lấn dần ra biển. Nước nơi cửa sông dần dần bớt mặn vì biển lùi xa và nhờ khả năng lọc nước của cây đước, cây tràm từ từ mọc tạo thành rừng. Đến lúc nước sông đã đủ ngọt, đất thuần, cây dừa nước có thể mọc được, xóm làng mới hình thành. Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã kể lại quá trình mở đất này thông qua câu chuyện về một gia đình đi khai hoang trong truyện ngắn Rừng Mắm, tập truyện Ký Thác:
"Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được."
-
- Thị tứ
- Khu vực có dân cư đông đúc, các ngành buôn bán phát triển. Từ này đôi khi cũng được dùng như tính từ.
-
- Kinh Cùng
- Địa danh nay là thị trấn thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
-
- Củi lụt
- Những cây gỗ trôi trên sông khi có lũ lụt, nước lớn, thường được vớt vào phơi khô để dành làm củi đốt.