Con lươn con lịch thì dài,
Con nhồng thì nhọn, con chai dẹp đầu
Những bài ca dao - tục ngữ về "cá chai":
Chú thích
-
- Lươn
- Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.
Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...
-
- Cá lịch
- Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.
-
- Cá nhồng
- Một loại cá săn mồi có cơ thể thuôn dài với các quai hàm khỏe, rất phàm ăn. Cá nhồng sống ngoài biển khơi, có thể bắt gặp ở dạng sống đơn độc hoặc thành bầy xung quanh các rạn san hô.
-
- Cá chai
- Một loại cá có nhiều ở các vùng biển miền Trung, dài chừng từ 15 đến 20cm, thịt dày, thơm, rất ít xương nhỏ, thường được đánh bắt để làm thức ăn trong gia đình hoặc đãi khách. Cá chai chế biến được nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc chiên.
-
- Kim Bồng
- Tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm ở hữu ngạn hạ lưu nơi sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Đây là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng. (Đọc thêm: Làng mộc Kim Bồng).
-
- Cẩm Phô
- Tên một làng có từ lâu đời thuộc địa phận phố cổ Hội An, Quảng Nam. Tại đây có đình và chợ cũng có tên là Cẩm Phô. Tên nhân vật Cẩm Phô trong tác phẩm Trại Hoa Vàng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chính là lấy từ địa danh này.