Toàn bộ nội dung

Chú thích

  1. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  2. Áo yếm đeo bùa
    Một kiểu áo của phụ nữ ngày xưa. Người mặc yếm đeo thêm một cái bùa nhỏ, vừa để làm đẹp vừa có ý nghĩa tâm linh.
  3. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  4. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  5. Thiên duyên kì ngộ
    Sự gặp gỡ lạ lùng, như duyên trời sắp đặt (chữ Hán).
  6. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  7. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  8. Ô cánh dơi
    Ô (dù) hình khum, những múi ô khi mở ra trông giống cánh con dơi căng ra, xưa kia nam giới thường dùng.
  9. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  10. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  11. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  12. Long
    Lỏng ra, rời ra.
  13. Nhài
    Mảnh kim loại nhỏ, tròn, như cây đinh, giữ hai đầu chốt quạt giấy.

    Quạt giấy

    Quạt giấy

  14. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  15. Giọt châu
    Giọt lệ, giọt nước mắt.
  16. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  17. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  18. Quy Nhơn
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  19. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  20. Lầu ông Tây
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lầu ông Tây, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  21. Thông ngôn
    Phiên dịch (bằng miệng). Đây là một từ cũ, thường dùng trong thời Pháp thuộc. Người làm nghề thông ngôn cũng gọi là thầy thông.
  22. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  23. Ba toong
    Gậy chống, thường cong một đầu để làm tay cầm. Từ này có gốc từ tiếng Pháp bâton. Các viên chức, trí thức dưới thời Pháp thuộc thường mang theo gậy này.
  24. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  25. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  26. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  27. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  28. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Lầu Ông Hoàng
    Một di tích tham quan nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp nhất ở Bà Nài, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là một biệt thự do một ông hoàng người Pháp tên là Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I, xây để nghỉ mát khi qua đây du lịch vào năm 1911. Địa danh này còn gắn liền với cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử.

    Tòa nhà đã bị đánh sập hoàn toàn trong chiến lược "Tiêu thổ kháng chiến" của Việt Minh, hiện nay gần như không còn dấu tích.

    Phế tích lầu Ông Hoàng

    Một lô cốt Pháp xây gần nền Lầu Ông Hoàng cũ

  30. Ba Hộ
    Tên khác của làng An Hải, nằm bên tả ngạn sông Cà Ty. Hiên nay làng thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
  31. Tương truyền khi lầu Ông Hoàng xây xong thì làng Ba Hộ mắc bệnh dịch, sau đó là lụt lội làm chết rất nhiều người. Dân gian cho rằng chính ông Hoàng đã gây nên tai vạ ấy.
  32. Ngụ cư
    (Người) từ nơi khác đến và sinh sống ở nơi không phải là quê hương của mình.
  33. Chánh chi
    Những chi họ định cư chính thức lâu đời tại một làng, một địa bàn nào đó, để phân biệt với dân ngụ cư là những người mới đến lập nghiệp.
  34. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  35. Lưu Cơ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lưu Cơ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  36. Chéo áo
    Mảnh vải nhỏ hình tam giác may liền vào hai bên vạt áo để vạt áo rộng thêm ra ở phía dưới, theo kiểu cũ.
  37. "Giống hình" trong trường hợp này nghĩa là: giống như hình dáng của.
  38. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  39. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  40. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  41. Nam Hán
    Một vương quốc tồn tại từ năm 917 đến năm 971, trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc (907-960), địa bàn trải dọc theo bờ biển phía nam Trung Quốc, kinh đô đặt ở Hưng Vương Phủ, ngày nay là thành phố Quảng Châu. Tên nước ban đầu là Đại Việt, sau đó đổi thành Đại Hán, trong sử gọi là Nam Hán để phân biệt với nước Bắc Hán trong cùng thời kì.

    Nam Hán giáp giới với nước ta, lúc ấy có tên là Tĩnh Hải quân (quân là một đơn vị hành chính quân sự đặt ra thời Đường, mỗi quân do một Tiết độ sứ cai trị). Trong một thời gian ngắn (từ khoảng 930-931), Nam Hán chiếm được Tĩnh Hải quân (bao gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay) nhưng không giữ được do bị Dương Đình Nghệ đánh đuổi. Năm 937, Kiều Công Tiễn, hào trưởng đất Phong Châu (Phú Thọ) - nổi lên giết chết Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân là Dương Đình Nghệ để nắm quyền, cũng xưng là Tiết độ sứ. Con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền nghe tin, từ Ái Châu (Thanh Hóa) đem quân ra đánh. Kiều Công Tiễn cầu cứu Nam Hán, vua Nam Hán liền đưa quân sang, nhưng bị đánh bại tại trận Bạch Đằng (năm 938).

  42. Ngô Quyền
    (898 - 944) còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương, là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử nước ta. Năm 938, ông lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng lịch sử, chính thức kết thúc một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, trị vì từ năm 939 đến năm 944.

    Tranh vẽ trận Bạch Đằng năm 938

    Tranh vẽ trận Bạch Đằng năm 938