Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Người Việt Nam ít người có nhiều râu, nhiều người có ít râu, đại đa số là không râu.
  2. Đình So
    Đình làng So (còn có tên là Sơn Lộ) thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ), cách trung tâm Hà Nội chừng 40km. Đình được xây dựng vào năm 1673 dưới đời vua Lê Gia Tông (theo sách Sơn Tây địa chí của Phạm Xuân Độ), được xem coi là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài, một năm có ba lễ lớn: Hội làng diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ ngày 8/2 âm lịch, lễ khao quân tổ chức vào ngày 10/7 âm lịch, còn ngày Thánh Hóa được làm vào ngày 10/12 âm lịch hằng năm.
  3. Yên Sở
    Tên cũ là Cổ Sở, một làng nay thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, có tên nôm là làng Giá Lụa, hay làng Giá. Làng có ngôi đình tên là đình Yên Sở (tên địa phương là Quán Giá), thờ tướng quân Lý Phục Man, vị danh tướng đời Vua Lý Nam Đế đã hi sinh vì non sông. Để tưởng nhớ công ơn của ngài, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội Giá, trong đó có nghi thức rước kiệu.

    Rước kiệu hội Giá

    Rước kiệu hội Giá

  4. Chùa Thầy
    Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.

    Phong cảnh chùa Thầy

    Phong cảnh chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

  5. Chùa Quảng Nghiêm
    Còn gọi là chùa Tiên Lữ hay chùa Trăm Gian, một ngôi chùa nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối.

    Gác chuông chùa Trăm Gian

    Gác chuông chùa Trăm Gian

  6. Ông Trượng - Tiên Bửu
    Tên một truyện thơ có nội dung xoay quanh hai nhân vật là ông Trượng - một lão già đã bảy mươi tuổi, và Tiên Bửu - một cô gái chèo đò tuổi vừa đôi tám. Bị lão già ve vãn, Tiên Bửu bực mình lắm, bèn chỉ chảo nước sôi, bảo lão chui vào đó để lột da thành trai trẻ đẹp, cốt ý muốn giết chết lão. Không ngờ lão không chết mà lại hóa thành chàng trai trẻ đẹp thật, làm điên đảo tâm hồn Tiên Bửu. Cô nàng trở lại theo ve vãn ông Trượng, nhưng ông Trượng -thật ra là một vị Tiên đội lốt xuống trần để thử lòng Tiên Bửu - đã bỏ cô lại mà bay về trời.

    Truyện thơ Ông Trượng - Tiên Bửu rất nổi tiếng ở miền Nam ngày trước, đã được nhân dân chuyển thể thành hò, cải lương...

    Xem một trích đoạn vọng cổ hài Ông Trượng - Tiên Bửu tại đây.

  7. Chài
    Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

  8. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  9. Quan xưởng Tràng Tiền
    Xưởng đúc tiền do nhà Nguyễn lập ra, hoạt động trong gần suốt thế kỉ 19. Xưởng đặt ở phía đông nam hồ Hoàn Kiếm, có tên là Cục Bảo tuyền, vì là một tràng (trường, nơi sản xuất) tiền nên cũng gọi là Tràng Tiền. Tràng đúc tiền được xây dựng trên một khu đất rộng, ngày nay tương ứng với một ô đất giáp các phố Tràng Tiền (bắc), Phạm Sư Mạnh (nam), Phan Chu Trinh (đông) và Ngô Quyền (tây) gồm lò đúc tiền và kho tạm chứa. Chiếm được Hà Nội năm 1883, Pháp đã phá tràng đúc để lấy đất xây dựng khu trung tâm vào năm 1887.
  10. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  11. Xương Rồng
    Tên ngọn núi lớn nhất ở phía Bắc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Theo thần thoại, ngày xưa có một con rồng nằm trên đỉnh núi. Tương truyền thầy phù thủy Trung Quốc là Cao Biền, do lo sợ nước ta có anh hùng xuất hiện, đã cưỡi mây bay đến chém vào đỉnh núi để rồng bay về Tàu. Nhưng gươm lại chém vào thân rồng, rồng chết còn lại bộ xương, nên gọi là núi Xương Rồng.

    Núi Xương Rồng

    Núi Xương Rồng

  12. Mỹ Á
    Một cửa biển nay thuộc xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.
  13. Thủy Triều
    Tên một con sông chảy qua huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  14. Giả đò
    Giả vờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  16. Tương thân
    Thương yêu lẫn nhau (từ Hán Việt).
  17. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  18. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  19. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  20. Tân Sài
    Một tên gọi khác của Sài Gòn, xuất hiện vào khoảng thế kỉ 17, 18. Gọi là Tân Sài (Sài mới) vì trước đó đã có chợ Củi (Sài Thị) ở Hội An, cũng là một trung tâm kinh tế phát triển thời bấy giờ. Xem thêm về địa danh Tân Sài.
  21. Trà Ôn
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long, là vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái của tỉnh. Huyện có cù lao Mây trên sông Hậu, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch vườn. Ngoài ra Trà Ôn còn có chợ nổi ngay ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, quy tụ nhiều ghe thuyền đông vui tấp nập. Đến Trà Ôn, du khách còn có thể viếng lăng Thống chế Điều Bát, chùa Gò Xoài, đình Thiện Mỹ, đình Hậu Thạnh...

    Chợ nổi Trà Ôn

    Chợ nổi Trà Ôn

  22. Cá bẹ
    Còn gọi cá cháy, một loại cá thường gặp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tại các vùng nước biển ven bờ hoặc nước sông đục có dòng chảy mạnh. Cá bẹ có thân hình thon dẹt, đỉnh đầu trơn không có vân, toàn thân phủ vảy to, lưng có màu xanh lá cây. Thịt cá bẹ ngon nhưng có nhiều xương nhỏ và dài.

    Cá bẹ (cá cháy)

    Cá bẹ

    Ở vùng biển Bắc Bộ cũng có một loài cá bẹ, còn gọi là cá đé, thịt ngon thuộc hàng "tứ quý" (chim, thu, nhụ, đé).