Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  2. Đinh ninh
    Nói đi nói lại, dặn đi dặn lại cặn kẽ để nhớ kỹ.

    Vầng trăng vằng vặc giữa trời
    Đinh ninh hai mặt một lời song song

    (Truyện Kiều)

  3. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  4. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  5. Non nhớt
    Còn rất non, chưa ráo mủ, còn nhiều nhớt (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Chuối tiêu
    Còn gọi chuối già (có nơi đọc là chuối dà), một giống chuối cho trái nhỏ, dài, thơm, khi chín vỏ vẫn màu xanh, khi chín muồi vỏ chuyển sang màu vàng. Chuối tiêu rất giàu dinh dưỡng và là một vị thuốc dân gian.

    Chuối tiêu

    Chuối tiêu

  7. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
  8. Canh ngọt
    Cách nói để khen món canh ngon, đúng vị (cơm lành canh ngọt).
  9. Cau lùn
    Giống cau thuộc họ cau dừa, thân cột, cao tới 20m, tán lá rộng, ít rụng, hoa thơm, có trái quanh năm, thường được trồng làm cảnh.

    Hàng cau lùn

    Hàng cau lùn

  10. Giấc điệp
    Cũng gọi là giấc bướm (điệp nghĩa là con bướm), nghĩa là giấc ngủ, giấc mộng. Theo Trang Tử: "Ngày xưa Trang Chu nằm mộng thấy mình thành bướm bay nhởn nhơ. Đột nhiên tỉnh dậy, thấy mình lại là Trang Chu. Không biết có phải Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm hay bướm nằm mộng thấy mình là Trang Chu?"
  11. Mang Thít
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long. Trước đây huyện có tên gọi là Măng Thít hay Mân Thít. Chúa Nguyễn Ánh sau khi khôi phục đất Gia Định, đặt phủ Mân Thít, giao cho Thổ quan là Nguyễn Văn Tồn quản lí. Mang Thít có nghề làm gạch, gốm, và nổi tiếng là vùng đất trồng nhiều lúa gạo và trái cây ngon của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Gạch Mang Thít

    Gạch Mang Thít

  12. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Nâu sồng
    Màu được nhuộm từ củ nâu và lá của cây sồng; dùng để chỉ quần áo của nhà chùa hay của người dân quê miền Bắc thường mặc.

    Áo nâu sồng

    Áo nâu sồng

  14. Rui
    Thanh tre hoặc gỗ đặt theo chiều dốc của mái nhà để đỡ những thanh đặt dọc (gọi là thanh mè).

    Rui mè

    Rui mè

  15. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  16. Dầu cù là
    Cũng gọi là dầu cao, một loại cao bôi ngoài da dạng sệt có tác dụng làm nóng, chữa cảm cúm, đau bụng, côn trùng cắn... Dầu cù là thường được đóng trong các hộp nhỏ hình tròn bằng thủy tinh hoặc kim loại. Theo học giả An Chi, Cù Là là tên mà người xưa ở miền Tây Nam Bộ dùng để gọi nước Miến Điện. Trước đây có một loại dầu cao mang nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ưa chuộng khắp Nam bộ, nên được gọi là dầu Cù Là. Sau này danh từ dầu cù là được dùng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao.

    Dầu cù là

    Dầu cù là

  17. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  18. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  19. Sơn khê
    Núi (sơn) và khe nước chảy (khê). Chỉ vùng rừng núi.
  20. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  21. Vinh huê
    Vinh hoa. Xem thêm chú thích Huê.
  22. Xe chỉ
    Xe là động tác xoắn sợi để tạo nên hiệu ứng theo yêu cầu công việc, hoặc là xoắn rồi gập đôi lại để có một sợi to hơn, chắc hơn, hoặc xoắn bện giữa hai, ba sợi với nhau, hoặc xe từ bông vải để thành sợi chỉ, hoặc xe vuốt cho đầu sợi chỉ đang xòe bung trở thành thuôn nhỏ để luồn kim...

    Nghe bài dân ca Xe chỉ luồn kim.