Hệ thống chú thích
-
- Bưng
- Che, bịt, phủ, bọc cho kín (ví dụ: bưng miệng cười, bưng mặt khóc, bưng trống).
Nghĩ đà bưng kín miệng bình
Nào ai có khảo mà mình lại xưng?
(Truyện Kiều)
-
- Bủng
- Vẻ ngoài nhợt nhạt, ốm yếu.
-
- Bưng Bạc
- Tên một làng thuộc huyện Long Ðất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nay là di chỉ khảo cổ có niên đại thuộc khoảng thời gian cách đây trên dưới 2500 năm (giữa thiên niên kỷ I trước Công Nguyên).
-
- Bụng báng
- Còn gọi là báng, đoác (đoát hoặc đác), một loại cây mọc hoang và được trồng ở những chân núi hay vùng núi ẩm tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và một số tỉnh miền núi khác. Cây bụng báng cao từ 6-10m, có nhiều bẹ màu nâu bao lấy các gốc cuống lá. Hạt luộc chín lên ăn được. Thân cây có bột, gọi là bột báng, thường được dùng để nấu chè. Sợi ở bẹ lá bụng báng có thể dùng làm chỉ khâu nón lá (gọi là chỉ đoác) hay bện thừng, xe làm dây buộc.
-
- Bụng báng
- Bụng to do nước ứ trong ổ bụng hoặc sưng lá lách.
-
- Bủng beo
- Chỉ thể trạng người ốm yếu, có nước da nhợt nhạt như mọng nước.
-
- Bưng mắt bắt chim
- Chuyện dễ làm ra khó. (Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn - Huình Tịnh Của)
-
- Bụng ỏng
- Bụng to phình, thường được dùng để gọi đùa người có thai.
-
- Bụng trống chầu
- Bụng to như trống chầu, thường để chỉ bụng chửa.
-
- Bung xung
- Vật để đỡ tên đạn khi ra trận ngày xưa; thường dùng để ví người bị lợi dụng hoặc chịu đỡ đòn thay cho người khác.
-
- Buộc cổ mèo, treo cổ chó
- Chỉ người hà tiện, bủn xỉn.
-
- Bước trờ
- Bước bất thình lình, vô ý.
-
- Buồi
- Dương vật.
-
- Bươi
- Bới (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Buồm bê
- Buồm bị gió tạt.
-
- Bươm bướm bà
- Một loại bướm rất lớn, cánh có thể rộng một gang tay.
-
- Buồm mền
- Buồm làm bằng tấm chăn (mền) để chạy tạm.
-
- Bươn
- Chạy vội. Từ này có gốc từ từ Hán Việt bôn.
-
- Buồn như trấu cắn
- Chỉ cảm giác ngứa ngáy, nhột nhạt khi tiếp xúc với trấu (bị trấu cắn). Từ buồn hiện nay thường bị hiểu nhầm thành "buồn bã."
-
- Buôn thất nghiệp, lãi quan viên
- Buôn bỏ ra ít vốn (như thất nghiệp) mà lại được nhiều lãi (như quan viên).