Hệ thống chú thích

  1. Trường án
    Cái bàn dài, thường là bàn làm việc trong văn phòng của quan chức.
  2. Truông Ba Gò
    Một vùng đất rộng khoảng 500 mẫu Trung Bộ, hoang vu rậm rạp (Văn học dân gian, tập 1, NXB Văn Học 1977).
  3. Truông Cóc
    Một địa danh cũ nằm gần vàm Bao Ngược, nay thuộc xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Trước đây, vùng này nhiều cây cối, thú rừng, đặc biệt là cọp. Truông Cóc cùng với Sơn Quy là trận địa chính trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân Trương Định.
  4. Truông Dài
    Một địa danh nay thuộc địa phận xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
  5. Trương Định
    Còn có tên là Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, một võ quan dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp trong giai đoạn 1859-1864. Ông sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều, bắt đầu chống Pháp. Ông tổ chức lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp, ra lệnh cho tất cả các lực lượng chống Pháp phải bãi binh. Trương Định kháng mệnh vua, rút quân về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân, và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục đánh Pháp. Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương và rút gươm tự sát lúc rạng sáng ngày 20. Khi ấy, ông 44 tuổi.

    Trương Định

    Trương Định

    Xem vở cải lương Cờ nghĩa giồng Sơn Quy nói về cuộc khởi nghĩa Trương Định.

  6. Trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm
    Đường dài mới biết sức ngựa, việc lâu ngày mới biết lòng người. Câu này là một dị bản của một câu trong Cổ huấn: Lộ diêu tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm.
  7. Trưởng huynh
    Anh cả (từ Hán Việt). Từ này trước đây thường được dùng để xưng hô với ý tôn trọng.
  8. Trường kỉ
    Một kiểu bàn ghế truyền thống có mặt ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Một bộ trường kỉ về cơ bản gồm có 2 ghế dài (ghế trường kỉ) và 1 bàn, đóng bằng gỗ gụ, trắc, cẩm, hương, chạm khắc tinh xảo, hoặc đơn giản làm bằng tre. Trường kỉ có nhiều công dụng: tiếp khách quý, làm bàn viết, bày và ăn cỗ, hóng mát, uống trà, hoặc để ngủ.

    Một bộ trường kỉ

    Một bộ trường kỉ

  9. Trường Lại, Trường Phong
    Hai xóm thuộc địa phận xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
  10. Trường linh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Trường linh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  11. Trương Lương
    (262 TCN-188 TCN) Tự là Tử Phòng, một trong những khai quốc công thần của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông cùng với Hàn Tín và Tiêu Hà được người đời xưng tụng là "Hán triều Tam kiệt." Sau này ông được Hán Cao Tổ phong là Lưu Hầu, nên đời sau cũng gọi ông với tên ấy.

    Hình vẽ Trương Lương

    Hình vẽ Trương Lương

  12. Truông Mây
    Một địa danh của tỉnh Bình Định, ngày nay thuộc địa phận xóm Ba, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân. Đây là nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân chống nhà Nguyễn vào giữa thế kỉ 18 do chàng Lía khởi xướng. Có tên gọi như vậy vì nơi đây trước kia là một cái truông có nhiều mây rừng mọc dày.
  13. Trưởng nam
    Con trai cả trong gia đình.
  14. Trương Nghi
    (? - 309 TCN) Một biện sĩ nổi tiếng thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông người nước Ngụy, sau khi học du thuyết với thầy Quỷ Cốc Tử thì đi chu du thiên hạ. Khi ở Sở, có lần vì bị nghi lấy trộm ngọc nên ông bị đánh đập tra khảo. Vợ ông trách ông vì du thuyết mà mang vạ. Ông hỏi vợ "Lưỡi ta còn không?" Vợ trả lời "Còn." Ông cười mà rằng "Vậy là tốt rồi." Sau ông đề xướng chính sách Liên hoành, chống lại việc Hợp tung của Tô Tần và Công Tôn Diễn, làm nên nghiệp lớn.
  15. Truông nhà Hồ
    Một địa danh nằm giữa xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị và xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ nhà Hồ ngày xưa dùng chỉ đất của người Hồ (tức Chiêm Thành cũ). Theo Giáo sư Tôn Thất Bình, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian miền Trung Việt Nam, thì xưa kia đây là một vùng đất rộng bạt ngàn, cây cối um tùm, là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm, ai đi qua cũng thường bị chúng bắt bớ, giết chóc.

    Sau này truông Nhà Hồ còn là nơi trú ngụ của các nghĩa sĩ Cần Vương đi theo vua Hàm Nghi và quan đại thần Tôn Thất Thuyết chống thực dân Pháp.

  16. Truông Nu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Truông Nu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Trương Phi
    Tự là Ích Đức, thường được gọi là Dực Đức, một danh tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Trương Phi được mô tả là một người "cao tám thước, mắt tròn, râu hùm, hàm én," rất nóng nảy, bộc trực.

    Trương Phi

    Trương Phi

  18. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
  19. Trương Phúc Loan
    (? - 1776) Hay Trương Phước Loan, một quyền thần cuối thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Trong hơn mười năm cầm quyền, Quốc phó Trương Phúc Loan đã lạm dụng quyền hành mưu lợi riêng, khuynh đảo chính sự ở Đàng Trong, góp phần gây nên sự sụp đổ chính quyền các chúa Nguyễn. Sinh thời, nhân dân oán ghét gọi ông là Trương Tần Cối (Tần Cối là tên một gian thần đời Tống trong lịch sử Trung Quốc).
  20. Trường Tây
    Tục danh là xóm Chụt, một vạn chài nằm bên cửa Bé trước đây thuộc xã Vĩnh Nguyên, huyện Vĩnh Xương, nay thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây từ lâu người ta đã bán những mặt hàng dành cho ghe thuyền đi biển: đệm buồm, dây neo, dây chằng, phao lưới... Chụt vốn có nghĩa là "vũng nhỏ ở dựa gành có thể cho ghe thuyền núp gió" (Đại Nam quấc âm tự vị).

    Xóm Chụt ngày nay

    Xóm Chụt ngày nay