Hệ thống chú thích

  1. Sài hồ
    Một loại cây thuốc Đông y, rễ có tác dụng chữa cảm sốt, tức ngực, chóng mặt, nhức đầu...

    Sài hồ

    Sài hồ

  2. Sai ngoa
    Sai lầm, không thật.
  3. Sài thành
    Sài Gòn, tức thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
  4. Sam
    Một sinh vật biển thuộc bộ giáp xác. Sam thường đi thành cặp ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái, gọi là đôi sam. Dân gian ta có thành ngữ "thương như sam" hoặc "dính như sam."

    Đôi sam

    Đôi sam

  5. Sấm
    Một hiện tượng thiên nhiên, là những tiếng nổ rền trên bầu trời khi có giông.
  6. Sâm banh
    Cũng gọi là sâm-panh, một loại rượu vang nổi tiếng có nguồn gốc từ vùng Champagne của Pháp.
  7. Sâm cầm
    Một loài chim thuộc họ gà nước, có đầu và cổ màu đen tuyền, mắt nâu đỏ, mỏ nhọn dài và miếng sừng sau mỏ có màu trắng. Đây là giống chim di cư, mùa đông thường bay về phía Nam và Tây tránh rét. Ở ta, trước đây sâm cầm là đặc sản của vùng hồ Tây (Hà Nội), xưa là một trong những món tiến vua.

    Sâm cầm Hồ Tây

    Sâm cầm Hồ Tây

  8. Sâm Cao Ly
    Loại sâm do nước Cao Ly (Triều Tiên ngày nay) trồng và sản xuất. Sâm Cao Ly từ xưa đã nổi tiếng là một vị thuốc quý.

    Củ sâm

    Củ sâm

  9. Sâm Đồng
    Tên làng Thâm đọc chệch đi, nay thuộc xã Hồng Phong, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nơi đây có mộ Trần Huệ Tông, gần ngôi mộ có miếu cổ thờ 7 đời vua nhà Trần.
  10. Sấm kêu, rêu mọc
    Sấm báo hiệu mưa rào. Mưa thì rêu mọc.
  11. Sầm Nghi Đống
    Tên chữ Thiệu Đường, người dân tộc Tráng ở Điền Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc thời nhà Thanh. Họ Sầm truyền đời làm thổ tri, Sầm Nghi Đống cũng kế thừa cha ông làm thổ tri châu Điền Châu, hàng ngũ phẩm, nên thường được gọi là thái thú Điền Châu. Trong chiến dịch Ngọc Hồi-Đống Đa năm Kỷ Dậu (1789), Sầm Nghi Đống chỉ huy quân nghĩa dũng Điền Châu đóng ở Khương Thượng, phía tây nam thành Thăng Long (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Bị quân Tây Sơn bất ngờ bao vây và tấn công, Sầm Nghi Đống chống cự không nổi, phải rút về đài chỉ huy ở núi Ốc (gần chùa Bộc ngày nay) cố thủ hơn một ngày. Chờ mãi không thấy viện binh đến, ông tuyệt vọng treo cổ chết, mấy trăm thân binh Điền Châu cũng tự sát chết theo chủ tướng.
  12. Sắm sanh
    Sắm sửa, chuẩn bị (từ cũ).
  13. Sậm sựt
    Âm thanh như tiếng phát ra khi nhai xương sụn. Có nơi phát âm thành sậm sực.
  14. Sấm tháng mười cày cươi mà cấy
    Tháng mười có sấm thì nhất định vụ chiêm sau đó sẽ được mùa, nên tận dụng đất (cày cả sân nhà) để cấy lúa.
  15. Sâm Thương
    Sâm và Thương, hai ngôi sao theo thiên văn học Trung Quốc. Sao Sâm là ngôi sao thứ 7 trong chòm Bạch Hổ, sao Thương (còn gọi là Tâm) là ngôi sao thứ 5 trong chòm Thương Long, đều thuộc Nhị thập bát tú (hai mươi tám vì sao sáng, một khái niệm của Trung Hoa cổ đại). Hai ngôi sao này nằm đối nhau trên bầu trời, vì vậy không bao giờ xuất hiện cùng một lúc. Trong văn học cổ, người ta thường dùng hình ảnh Sâm Thương để chỉ sự xa xôi cách trở, khó lòng gặp lại nhau hoặc không thể gặp nhau được.

    Có ý kiến khác cho rằng Sâm, Thương là hai tên khác của Hôm, Mai (cùng là tên của sao Kim) nhưng ý kiến này không vững.

  16. Samit
    Ta đọc là sa-mít, một nhãn hiệu thuốc lá phổ biến thời bao cấp.

    Gói thuốc Samit

    Gói thuốc Samit

    .

  17. Săn
    (Sợi xe) được xoắn chặt vào nhau.
  18. Sạn
    Hạt đá nhỏ.
  19. Sân hòe
    Từ chữ Hán hòe đình, nghĩa là sân có trồng cây hòe. Đời nhà Tống, Vương Hựu tự tay trồng ba cây hòe trong sân nhà và nói rằng "Con cháu ta sau này sẽ có đứa làm đến Tam công." Về sau, con của Vương Hựu là Vương Đán làm đến Tam công thật. Sân hòe vì vậy chỉ nhà có con cái đỗ đạt, song cũng dùng để chỉ nhà cha mẹ.

    Sân hòe đôi chút thơ ngây,
    Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình

    (Truyện Kiều)

  20. Sân rồng
    Sân trước điện nhà vua. Nơi các quan đến chầu vua.

    Các quan chầu trong sân rồng

    Các quan chầu trong sân rồng