Hệ thống chú thích

  1. Phú Trung
    Địa danh nay thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
  2. Phụ tử
    Cha con (từ Hán Việt).
  3. Phú túc
    Giàu có, no đủ (từ Hán Việt).
  4. Phù vân
    Đám mây nổi rồi tan ngay, chỉ sự có rồi lại mất đi, không lâu bền.
  5. Phu Văn Lâu
    Một tòa lầu nằm trong khu di tích Hoàng thành Huế, nằm ở mặt Nam của hoàng thành và sát bờ sông Hương. Thời nhà Nguyễn đây là nơi trưng bày văn thư và niêm yết những chỉ dụ của triều đình.

    phu-van-lau

    Phu Văn Lâu

  6. Phú Vinh
    Một làng thuộc xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  7. Phú Xá
    Tên nôm là làng Sù, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Sù xưa nổi tiếng nghề làm bún và trồng đào. Mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng được táng ở đây.
  8. Phu xe
    Người làm nghề kéo xe tay trước đây, nhất là trong thời Pháp thuộc. Đây là một nghề cực khổ, nhọc nhằn, bị xã hội khinh rẻ.

    Phu xe

    Phu xe

  9. Phú Xuân
    Một địa danh ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trước đây là kinh đô của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử nước ta.
  10. Phu xướng phụ tòng
    Chồng nói, vợ nghe theo (từ Hán Việt).
  11. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  12. Phúc
    Những điều tốt lành. Kinh Thi chia ra năm phúc: Giàu, Yên lành, Thọ, Có đức tốt, và Vui hết tuổi trời (theo Thiều Chửu). Từ thời nhà Nguyễn, chữ này được đọc trại ra thành phước vì kị húy họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.
  13. Phục duy thượng hưởng
    Rập đầu kính mời hưởng (chữ Hán 伏惟尚饗), tiếng thường dùng cuối các bài văn tế, chúc sớ, v.v.
  14. Phúc đẳng hà sa
    Phúc nhiều như cát ở sông (thành ngữ Hán Việt). "Hà sa" nguyên trong câu thành ngữ "Hằng hà sa số" trong Phật giáo, nghĩa là số lượng cát của sông Hằng (một con sông lớn ở Ấn Độ, có cát rất mịn).
  15. Phúc Đậu
    Một làng nay thuộc địa phận xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là quê hương của Nguyễn Tuấn Thiện, một bậc khai quốc công thần thời Lê sơ.
  16. Phúc Khang An
    (1753-1796) Một đại thần người Mãn Châu thời nhà Thanh, làm quan dưới các triều hoàng đế Càn Long và Gia Khánh. Ông thăng tiến rất nhanh, đồng thời lập nhiều chiến công, được hoàng đế Càn Long đặc biệt ưu ái.

    Liên quan đến lịch sử Việt Nam, sau khi quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy bị quân Tây Sơn đánh bại, hoàng đế Càn Long phong Phúc Khang An làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, thống lĩnh binh mã chín tỉnh, toàn quyền chỉ huy chiến tranh với Tây Sơn. Tuy nhiên, nhận biết tình thế, Phúc Khang An đã chủ trương làm hòa với Tây Sơn, đồng thời gợi ý vua Quang Trung chủ động cầu hòa và cầu phong.

    Phúc Khang An

    Phúc Khang An

  17. Phúc Kiến
    Tên gọi dân gian của phố Lãn Ông, một phố thuộc ba sáu phố của Hà Nội ngày xưa. Gọi như vậy vì nơi đây là khu vực cư ngụ của nhiều người Hoa Kiều gốc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
  18. Phúc Kiến
    Tên một tỉnh nằm phía đông nam của Trung Quốc.
  19. Phùng
    Gặp gỡ (từ Hán Việt).
  20. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.