Hệ thống chú thích
-
- Phạm Bành
- (1825 - 1887) Một vị quan nhà Nguyễn, tham gia phong trào Cần Vương vào thế kỉ 19. Ông người làng Trương Xá, huyện Hậu Lộ, tỉnh Thanh Hóa, đậu cử nhân khoa Giáp Tý (1864), làm quan đến chức Án sát tỉnh Nghệ An, là người nổi tiếng thanh liêm và thương dân. Giữa năm 1886 ông cùng với Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng và một số tướng lĩnh khác xây dựng căn cứ Ba Đình nhằm bảo vệ cửa ngõ miền Trung và làm bàn đạp đánh Pháp ở đồng bằng. Sau khi Ba Đình thất thủ, ông đưa nghĩa quân rút về căn cứ dự phòng ở Mã Cao (huyện Yên Định) ngay đêm 20/2/1887, rồi lánh về quê. Nhưng sau để cứu mẹ già và con là Phạm Tiêu bị quân Pháp bắt làm con tin, ông đã ra đầu thú và uống thuốc độc tự tử ngay sau khi mẹ và con được thả ngày 18 tháng Ba năm Đinh Hợi (tức ngày 11/4/1887) để tỏ rõ khí tiết của mình.
-
- Phạm Chánh
- Một thủ lĩnh kháng pháp thuộc phong trào Cần Vương. Ông người làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh (Quảng Phước), tỉnh Khánh Hòa. Tương truyền ông học rất giỏi, nhưng không đi thi. Hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông được cử giữ chức Tham trấn trong hàng ngũ của Tổng trấn Trần Đường ở quân khu Bắc. Ông anh dũng chiến đấu và hy sinh năm Bính Tuất (1886) cùng với con trai cả là Phạm Long và ông Nguyễn Sum, được nhân dân suy tôn là Quảng Phước tam hùng.
-
- Phạm Công
- Tức Phạm Huyên, hiệu là Minh Dực, thân phụ của bà Phạm Thị Uyển, vợ vua Mai Hắc Đế.
Trong trận quyết chiến ở phủ thành Tống Bình, hoàng hậu Phạm Thị Uyển cũng dẫn đầu một cánh quân thủy giao chiến ác liệt với quân địch trên dòng Tô Lịch, bấy giờ còn là một nhánh của sông Hồng và là mặt án ngữ phía tây của thành Đại La. Thế giặc mạnh, quân ta bị đuối dần. Quyết không để rơi vào tay giặc, bà đã nhảy xuống sông tự vẫn. Xác bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục) thì được nhân dân lén vớt lên chôn cất, rồi lập đền thờ. Đó chính là đền Dục Anh, nay nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch ở đoạn gần cầu Trung Hòa.
-
- Phạm Long
- Có tài liệu ghi là Phạm Luân, con trai cả của ông Phạm Chánh, quê ở làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh (Quảng Phước), tỉnh Khánh Hòa. Ông cùng cha ứng nghĩa Cần Vương, giữ chức Nhiếp binh. Khi Phạm Chánh bị giặc bắt, ông cùng Nguyễn Sum tự nộp mình để cùng được chết. Ba ông được nhân dân suy tôn là Quảng Phước tam hùng.
-
- Phạm Pháo
- Địa danh nay thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
-
- Phàm phu
- Người (đàn ông) thô lỗ tục tằn (từ Hán Việt).
-
- Phạm Tải - Ngọc Hoa
- Tên một truyện thơ Nôm khuyết danh, gồm 928 câu thơ lục bát hoặc song thất lục bát, kể về mối tình của đôi vợ chồng Phạm Tải – Ngọc Hoa. Xem thêm trên Wikipedia.
-
- Phạm Trọng Yêm
- Một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống, Trung Quốc.
-
- Phân
- Nói cho rõ, bày tỏ.
-
- Phấn
- Loại mỹ phẩm có từ xưa, làm bằng cao lanh và thảo dược, phụ nữ nhà giàu và cung tần mĩ nữ thường sử dụng, có tác dụng dưỡng da, làm trắng da. Thời Nguyễn có phấn nụ, tương truyền bà hoàng hậu Từ Cung đến tận gần 100 tuổi da dẻ vẫn mịn màng, không có đốm tàn nhang nào trên khuôn mặt là nhờ dùng phấn này.
-
- Phản
- Bộ ván dùng để nằm hoặc ngồi như giường, chõng, thường từ 1-3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân vững chãi. Có một số loại phản khác nhau như phản gõ (còn gọi là "bộ gõ" hay "ngựa gõ" là phản làm bằng gỗ gõ), phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà). Mặt phản không chạm, tiện, chỉ cần cưa, cắt thẳng, bào láng, đánh bóng. Bộ chân đế phản ở các nhà khá giả thì được tiện hình trang trí khá tinh xảo.
Theo tôn ti trật tự ngày xưa, ngồi phản phải xét ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi phản nào cũng được. Bậc trưởng thượng thường ngồi giữa phản, vai vế thấp hơn ngồi ở mé bên. Tương tự, chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa, đặt ngay chính giữa nhà. Vai vế thấp hơn phải ngồi phản chái đặt ở gian chái tây hướng ra vườn.
-
- Phân
- Đồng đều, công bằng (từ cổ).
-
- Phần
- Phận, số phận (từ cổ).
-
- Phan Bá Vành
- Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân từ năm 1821 đến năm 1827 chống lại ách thống trị của nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Ông quê ở làng Minh Giám, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vì là con thứ ba trong gia đình, ông còn được gọi là Ba Vành. Ba Vành có sức khỏe phi thường và tài ném lao. Khoảng năm 1821 (có sách chép là 1825 hoặc 1826), ông tập hợp dân nghèo nổi dậy, đánh chiếm nhiều đồn của quan quân nhà Nguyễn ở Thái Bình. Đến năm 1827 thì cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Ba Vành bị bắt và cắn lưỡi tự sát trên đường áp giải về kinh.
-
- Phân bắc
- Phân người đã được ủ, dùng để bón cây.
-
- Phận bồ
- Phận bồ liễu, chỉ thân phận người con gái.
-
- Phản bộ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phản bộ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Phần do
- Hay tuần do, có nhiệm vụ đi canh, giữ trật tự trong thôn xóm.
-
- Phấn dũng
- Anh dũng và hăng hái (từ Hán Việt).
-
- Phân đầu
- Chia theo đầu người.