Hệ thống chú thích
-
- Bể
- Biển (từ cũ).
-
- Be
- Bình đựng rượu, làm bằng sành, sứ hoặc đá quý, bầu tròn, cổ dài và hẹp.
-
- Bè
- Bầy.
-
- Bể
- Vỡ (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Bè
- Phương tiện di chuyển trên nước, đóng bằng cách cột nhiều thân cây (tre, nứa, gỗ...) với nhau.
-
- Bế
- Đóng, khép, kết thúc (từ Hán Việt).
-
- Bể ái
- Biển tình. Chỉ tình yêu thương chứa chan như biển.
-
- Bẻ bai
- Chê bai, bắt bẻ (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Be bờ
- Đắp đất thành bờ để ngăn nước.
-
- Bẻ cò
- Bẻ gập lại thành từng khúc để đếm (mỗi khúc là một lần).
-
- Bể dâu
- Từ tiếng Hán thương hải tang điền (biển xanh, nương dâu). Tiếng Việt ta có thành ngữ là bãi bể nương dâu. Theo Thần tiên truyện, tiên nữ Ma Cô nói với Vương Phương Bình rằng "Từ khi được hầu tiếp ông đến nay đã thấy biển xanh ba lần biến thành nương dâu."
Các từ ngữ bể dâu, bãi bể nương dâu, dâu biển (biển dâu) đều chỉ sự biến đổi, thăng trầm của cuộc đời.
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Truyện Kiều)
-
- Bè rớ
- Một loại nghề của ngư dân Quảng Ngãi, và cũng là công cụ đánh bắt cá của nghề này. Bè rớ gồm có bè và rớ. Bè được làm bằng tre tươi dài nguyên cây, xếp thành nhiều lớp. Nửa bè phía gốc người ta dựng một sườn khoang như khoang thuyền, và phủ kín bên ngoài bằng tấm nang tre đan kín, trát dầu rái (sau thay bằng tôn kẽm) để che mưa nắng. Ngư dân sống trong khoang bè này, và đánh bắt cá dùng rớ.
Nghề bè rớ hiện nay đã mai một.
-
- Bể Sở, sông Ngô
- Ở khắp mọi nơi (Sở và Ngô là hai nước thời Xuân Thu, Trung Quốc).
Một tay gây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành
(Truyện Kiều)
-
- Bển
- Bên đó (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Bén
- Chạm vào, quen với, gắn bó với.
Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén
(Lá thư ngày trước - Vũ Hoàng Chương)
-
- Bến Bà Bang
- Một bến đò thuộc xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
-
- Bến Cốc
- Địa danh nay thuộc địa phận phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa. Vào đầu thế kỷ 19, bốn thôn Hương Bào Nội, Hương Bào Ngoại, Phú Cốc và Phú Cốc Hạ đều nằm hai bên bờ sông Bồn Giang (sông Cốc) nối từ cầu Bốn Voi đến Lai Thành gặp kênh Bố Vệ đổ ra cửa sông Lễ Môn. Từ năm 1838 - 1883, vua Minh Mạng lấy thêm 7 mẫu đất của làng Phú Cốc cho đào kênh Bến Cốc.
-
- Bến Đường
- Một bến sông thuộc làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Bảo An trước có nghề nấu đường, ghe thuyền thường ra vào tấp nập ở bến sông này để mua đường, từ đó hình thành tên gọi Bến Đường.
-
- Bến Giang Đình
- Bến đò cổ Giang Đình (Giang Đình cổ độ). Theo sách Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diễn, trước kia bến đò này có tên Tả Ao, chạy dài từ xã Uy Viễn (Xuân Giang) xuống đến làng Yên Lưu (nay là thị trấn Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Cuối năm 1771, khi Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm hồi hưu, dân làng dựng một ngôi đình tạm ba gian, ngay trước bến sông, cắm cờ rợp trời từ bến sông đến cổng chính gia tộc họ Nguyễn để đón rước. Để đáp lại tấm lòng của dân làng, ông đã bỏ tiền xây lại ngôi đình trước bến thành ngôi đình khang trang, làm nơi hội họp và lễ mừng đăng khoa. Từ đó, bến sông này được mang tên bến Giang Đình. Hiện nay tại đây chỉ còn lại vài dấu vết như gốc cây đa, giếng nước, lò nung vôi.