Hệ thống chú thích

  1. Luân thường
    Phép tắc đạo đức của Nho giáo phong kiến, qui định hành động hằng ngày của người ta.
  2. Lục bà
    Mẹ của Lục Vân Tiên. Vân Tiên chuẩn bị vào trường thi thì hay tin mẹ lâm bệnh mất, chàng lập tức bỏ thi về chịu tang, trên đường về vì thương khóc mẹ quá mà lòa đôi mắt.

    Thế sao chẳng ngớt cơn sầu,
    Mình đi đã mỏi, dòng châu thêm nhuần.
    E khi mang bệnh nửa chừng,
    Trong non khó liệu, giữa rừng khôn toan.
    Tiên rằng: Khô héo lá gan,
    Ôi thôi! Con mắt đã mang lấy sầu.
    Mịt mù nào thấy chi đâu,
    Chân đi đã mỏi, mình đau như dần.

  3. Lục bình
    Một loại bèo có thân mọc cao khoảng 30 cm, lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp cây bèo nổi trên mặt nước. Lục bình sinh sản rất nhanh nên có mặt rất nhiều ở các ao hồ, kên rạch. Nhân dân ta thường vớt bèo cho lợn ăn, những năm gần đây xơ lục bình phơi khô có thể chế biến để dùng bện thành dây, thành thừng rồi dệt thành chiếu, hàng thủ công, hay bàn ghế. Ngó lục bình cũng được chế biến thành thức ăn, ngon không kém ngó sen.

    Lục bình

    Lục bình

  4. Lực điền
    Người làm ruộng có sức khỏe.
  5. Lúc lắc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lúc lắc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  6. Lục Lễ
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
  7. Lục nghệ
    Tức "sáu nghề" (từ Hán Việt), là những kĩ năng được xem là nhất thiết phải có đối với đàn ông trong xã hội phong kiến cũ, lấy từ quan niệm của Nho giáo.

    Sáu nghề đó là: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số - nghĩa là: lễ nghi, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, viết chữ và tính toán.

  8. Lục soạn
    Thứ lụa mỏng, trơn, xưa hay dùng.

    Quanh năm phong vận, áo hàng tầu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh
    Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng

    (Phú hỏng khoa Canh Tý - Tú Xương)

  9. Lục súc
    Sáu loại gia súc: ngựa, trâu (bò), chó, dê (cừu), lợn, gà. Từ này đôi khi cũng dùng để chửi bới, mắng nhiếc.
  10. Lục tàu xá
    Một món chè có nguồn gốc từ Trung Hoa. Theo tiếng Quảng Đông, lục tàu xá (lục đậu sa) có nghĩa là đậu xanh nát nhuyễn, vì món này nấu từ đậu xanh xát vỏ, bột báng, trần bì, đường cát. Lục tàu xá có dạng đặc, màu vàng sánh, hiện vẫn được bán nhiều ở các khu vực có đông người Hoa sinh sống.

    Lục tàu xá

    Lục tàu xá

  11. Lục tỉnh tân văn
    Tên một tờ tuần báo viết bằng chữ quốc ngữ, xuất bản lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 11 năm 1907 do F.H. Schneider (một chủ nhà in người Pháp) sáng lập và Trần Chánh Chiếu làm chủ bút, công khai hô hào duy tân cứu nước và có mối quan hệ đặc biệt với các phong trào yêu nước Đông Du, Duy Tân. Cuối tháng 10 năm 1908, ông Trần Chánh Chiếu bị bắt, tờ báo bị rút giấy phép.

    Từ ngày 3 tháng 10 năm 1921, Lục tỉnh tân văn hợp nhất với Nam trung nhật báo, vẫn giữ tên cũ, do Nguyễn Văn Của làm giám đốc, Lê Hoàng Mưu làm chủ bút, chuyển thành nhật báo, đến tháng 12 năm 1944 thì đình bản. Xu hướng chính trị của báo giai đoạn này chủ yếu là phục vụ cho chính sách của chủ nghĩa thực dân Pháp.

    Một vài số báo Lục tỉnh tân văn

    Một vài số báo Lục tỉnh tân văn

  12. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  13. Lục xì
    Cơ quan y tế chuyên khám và chữa bệnh cho những phụ nữ hành nghề mại dâm vào thời Pháp thuộc, nay là bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Có nguồn giải thích lục xì là do cách phát âm của người Trung Quốc từ chữ tiếng Anh look see rồi du nhập vào nước ta.

    Bệnh viện Việt Đức hồi đầu thế kỉ XX  tên là Nhà thương Bảo hộ

    Bệnh viện Việt Đức hồi đầu thế kỉ XX là Nhà thương Bảo hộ

  14. Lủi
    Chui, lẩn, giấu mặt.
  15. Lùi
    Nướng bằng cách ủ (khoai, mía, bắp...) vào tro nóng cho chín.
  16. Lúi
    Tiền (theo Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí, xuất bản năm 1971).
  17. Lủm
    Nuốt gọn một miếng (thường là miếng nhỏ) (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Lụn
    Sắp hết, mòn dần đi.
  19. Lung
    Vùng đầm nước ngập, có bùn.