Hệ thống chú thích

  1. Nhẵn, phẳng (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Li
    Bỏ, rời.
  3. Cây mận. Trong bài Quân Tử Hành của nhà thơ Tào Thực có câu “Qua điền bất nạp lí, lí hạ bất chỉnh quan” 瓜田不納履, 李下不整冠, nghĩa là (ở) ruộng dưa chớ xỏ giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ (để tránh tình ngay lí gian).
  4. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  5. Lì xì như chì đổ lỗ
    Lầm lì, có nét mặt nặng nề, kém hoạt bát.
  6. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  7. Lia thia
    Còn được gọi với các tên cá thia thia, cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt, có kích cỡ nhỏ, vảy khá sặc sỡ nên thường được nuôi làm cảnh.

    Cá thia thia

    Cá lia thia

  8. Lịch
    Lịch lãm, thanh lịch. Cũng hiểu là xinh đẹp.
  9. Lịch Đoi
    Cũng gọi là lịch tre hoặc lịch đá, một loại lịch cổ của người Mường. Lịch được đặt tên theo sao Đoi, cách người Mường gọi sao Thần Nông. Lịch Đoi gồm 12 thanh tre, mỗi thanh chỉ một tháng trong năm. Trên mỗi thanh khắc 30 vạch, mỗi vạch chỉ một ngày. So với dương lịch, lịch có ngày lùi 1, tháng tiến 3 (ví dụ ngày 9/10/2017 dương lịch trùng với ngày 8/1/2018) nên thường gọi là "ngày lui tháng tới." Lịch Đoi ngày nay hầu như chỉ được dùng trong các nghi thức tính ngưỡng.

    Lịch Đoi

    Lịch Đoi

  10. Lích kích
    Lịch kịch. Phiền phức và mất nhiều công.
  11. Liếc
    Miết đi miết lại lưỡi dao vào đá mài hoặc vật cứng để dao sắc hơn.
  12. Liềm
    Một nông cụ cầm tay có lưỡi cong khác nhau tùy từng loại, phía lưỡi thường có răng cưa nhỏ (gọi là chấu), dùng để gặt lúa hoặc cắt cỏ. Liềm có thể được xem là biểu tượng của nông nghiệp.

    Cái liềm

    Cái liềm

  13. Liễn
    Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.

    Liễn

    Liễn

  14. Liễn
    Đồ bằng sành hoặc sứ dùng để đựng đồ ăn thức uống, thường có nắp đậy.

    Liễn sứ thời nhà Lê

    Liễn sứ thời nhà Lê

  15. Liến
    Liên tục.
  16. Liên bang Đông Dương
    Gọi tắt là Đông Dương, hay còn gọi là Đông Dương thuộc Pháp hoặc Đông Pháp, là lãnh thổ nằm dưới quyền cai trị của thực dân Pháp ở khu vực Đông Nam Á cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, bao gồm sáu xứ: Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ lấy của Đại Nam (quốc hiệu của nước ta từ 1839-1945), Lào, Campuchia, và Quảng Châu Loan lấy từ Trung Quốc. Lúc đầu, thủ phủ Đông Dương đặt tại Sài Gòn (1887-1901), sau chuyển ra Hà Nội (1902-54).

    Liên bang Đông Dương bị Nhật Bản lật đổ vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, nhưng chỉ thực sự tan rã sau khi Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ và Hiệp ước Genève được ký kết năm 1954.

    Bản đồ Liên bang Đông Dương

    Bản đồ Liên bang Đông Dương

  17. Liên Chiểu
    Tên một quận, nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Đèo Hải Vân thuộc quận này.
  18. Liên gia
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Liên gia, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  19. Liên thiên
    Liên tục, không ngớt.
  20. Liên Tỉnh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Liên Tỉnh, hãy đóng góp cho chúng tôi.