Hệ thống chú thích
-
- Hòn Nghề
- Tên một hòn đảo nhỏ thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây hiện đang được đầu tư xây dựng khu du lịch.
-
- Hòn Nghê
- Một hòn đảo nằm ở ngoài khơi Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
-
- Hòn Nhàn
- Tên một hòn đảo nhỏ thuộc vùng biển Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
-
- Hòn Nhum
- Tên một cụm đảo nay thuộc ấp Hòn Ngang, xã Sơn Hải, Kiên Lương, gồm các đảo Nhum Ông, Nhum Bà, Nhum Tròn, Nhum Mốt, Nhum Giếng... Gọi tên các đảo này là hòn Nhum vì xưa kia trên các hòn này có rất nhiều cây nhum. Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: “Cây thiết tung tục gọi là cây nhum (ngoài Bắc gọi mỳ), giống như cây dừa mà có nhiều gai, thớ gỗ màu đen mà cứng bền, dùng làm cột nhà, sàn nhà, xẻ ra làm tấm khắc liễn đối rất tốt, lại dùng làm đồn lũy vì có gai nhọn và cứng.” Các đảo Hòn Nhum cùng với những đảo lân cận như Hòn Heo, Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước, Hòn Đụn, Hòn Dừa... được xem là "Hạ Long của miền Nam."
-
- Hòn Nọc
- Một hòn đảo nằm trong vịnh Nha Trang. Đây là đảo nhỏ nhất vịnh Nha Trang, chỉ rộng 4ha.
-
- Hòn Nôm, Quảng Thí
- Hai hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi Mũi Né, tỉnh Bình Thuận.
-
- Hòn Nưa
- Một hòn đảo nằm phía nam vịnh Vũng Rô, có đỉnh cao 105 m so với mực nước biển. Một bên sườn là cây cối tương đối xanh tốt, bên còn lại là vách đá dựng đứng. Đại Nam nhất thống chí ghi Hòn Nưa là Trụ tự - là cột mốc tự nhiên chia ranh giới hành chính trước đây giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Ngày nay Hòn Nưa là một địa điểm du lịch với bãi tắm, rạn san hô...
-
- Hòn Ông
- Một ngọn núi thuộc địa phận xã Phước Tân, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên, nằm trong khu vực hạ lưu sông Ba, ngăn chia Bình Định với Phú Yên. Ngày xưa, nơi đây, là vùng đất mênh mông, đồi núi, rừng cây rậm rạp chen lẫn những thảm cỏ xanh rờn trên thảo nguyên.
-
- Hòn Ông Bình
- Một ngọn núi nhỏ ở chân đèo An Khê, tỉnh Bình Định. Theo Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nam Cường xuất bản, 1967, tr.53:
Hòn Ông Bình nằm phía tây thôn Thượng Giang. Tuy cao chỉ có 793 thước, song trông rất kì vĩ và có vẻ bí hiểm. Cây cối sầm uất, ngó mịt mờ thăm thẳm như không có đường lưu thông. Nhưng sự thật thì có nhiều đường lối ra vào. Nơi triền phía Bắc, có đường đèo đi từ Đồng Hào ở ngả Đông, lên Trạm Gò. Cửu An ở ngả Tây. Đèo này gọi là Đèo Vạn Tuế, tuy ngắn song dốc và đá mọc lởm chởm nên rất khó đi. Ở triên phía Nam có con đường mòn chạy theo hướng Đông Nam để đến đèo An Khê.
-
- Hòn Ông Già
- Một hòn đảo nhỏ thuộc xã Nhơn Châu, Quy Nhơn, Bình Định, gần Cù Lao Xanh.
-
- Hòn Phụ Tử
- Tên một hòn đảo nằm trên eo biển Khu du lịch Chùa Hang, thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, gồm hai khối đá dính liền nhau đứng trên một bệ đá có chiều cao 5m so với mặt biển, giống như hai cha con. Hòn Phụ có chiều cao khoảng 33,6m, hòn Tử cao khoảng 30m. Hòn Phụ Tử được xem là biểu tượng cho cảnh đẹp Kiên Giang, và được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia vào năm 1989.
-
- Hòn Rái
- Một hòn đảo địa bàn xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, là một hòn đảo độc lập nằm trong vịnh Thái Lan, cách bờ biển Kiên Giang khoảng 25 km. Trước đây đảo có tên là Thát Dự, nhưng do trên đảo trồng nhiều cây rái nên gọi là Hòn Rái, Hòn Sơn hay Hòn Sơn Rái (Cũng có ý kiến cho rằng khi người Pháp tìm ra hòn đảo này đã đặt tên là hòn Sơn Rái, vì nhìn từ trên máy bay xuống giống như con rái cá đang bơi giữa biển). Tại đây có nghề làm nước mắm truyền thống rất nổi tiếng, đến mức trở thành "thương hiệu" nước mắm Hòn.
-
- Hòn Rơm
- Một hòn núi nhỏ nay thuộc phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Ngày nay, Hòn Rơm thực chất là một "tiểu khu" du lịch của Mũi Né, với cảnh quan đẹp trầm lắng, bãi tắm dài hơn 17 km, vẫn còn nguyên sơ, chưa có người ở và khai thác, gọi là Bãi sau Hòn Rơm. Tại đây, nước xanh trong vắt, sóng êm, không có đá ngầm. Vào mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, người ta có thể ngồi tại đây ngắm bình minh hay hoàng hôn; vào buổi tối nhìn trăng lên hay tổ chức lửa trại.
-
- Hòn Sang
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Sang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Hòn son phụng
- Thỏi son có hình con phượng.
-
- Hòn Sung
- Tên chữ là Trưng Sơn, một hòn núi thấp thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây là nơi phát tích của anh hùng Mai Xuân Thưởng và anh em nhà Tây Sơn. Theo Quách Tấn trong Nước non Bình Định:
Trông gần thì mập mạp hung hăng như con bò đực sung sức lúc nào cũng sẵn sàng để chiến đấu. Nên người địa phương thường gọi là Hòn Sung. Lưng núi có nhiều chỗ nổi từng vồng từng ụ, như bị đánh sưng. Nên nhiều người gọi là Hòn Sưng thay vì Hòn Sung. Núi còn có tên nữa là Độc Xỉ Sơn và Độc Nhũ Sơn, vì ở xa, nếu đứng xiên một phía mà trông thì giống một chiếc răng nanh dựng ngược, còn đứng dưới mặt mà ngó thì tương tợ một nấm vú vung (theo truyền thuyết thì Độc là một mình; nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí chép chữ Độc là con bò nghé). Do đó núi lại có tên nữa là Bút Sơn.
-
- Hòn Sụp
- Một đảo đá nhỏ gần cửa biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
-
- Hòn Tàu
- Một dãy núi giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam, có diện tích gần 100 km², gồm nhiều núi hiểm trở như Nhà Muỗi, Cù Hang, Mặt Rạng...