Hệ thống chú thích

  1. Đôi
    Hỏi để xác minh việc gì (phương ngữ miền Trung, từ cổ).
  2. Đôi
    Ném, liệng (phương ngữ).
  3. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  4. Đỗi
    Độ, chừng, mức (quá đỗi, đỗi đường).

    Tình ý theo người đi một đỗi
    Một đỗi, dài hơn bốn chục năm

    (Nhớ có lần, trên Bắc khuya, nghe một lão đàn hát - Tô Thùy Yên)

  5. Đòi
    Đuổi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  6. Đòi
    Đầy tớ gái còn nhỏ.
  7. Đội Cấn
    Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.

    Di ảnh Đội Cấn

    Di ảnh Đội Cấn

  8. Đôi chàng mạng
    Hai cái móc bằng bạc để móc mạng che mặt vào khăn bịt đầu. Ở nước ta ngày xưa, chỉ có những phụ nữ quyền quý mới có tục che mặt khi ra đường. Mạng che mặt có thể là một tấm lưới kết bằng đá quý, hay bằng vàng, bạc.
  9. Đôi chối
    Phân rõ phải trái với nhau trước người làm chứng.
  10. Đội Cung
    Tên thật là Trần Công Cung, tham gia lực lượng lính khố xanh tại Nghệ An và thăng dần lên chức Đội. Đêm 13/1/1941, ông cùng 11 lính đồn Chợ Rạng tiến về Đô Lương giết viên đồn trưởng đồn Đô Lương rồi cùng 25 lính ở đây tiến về Vinh ngay trong đêm đó với mục đích chiếm trại Giám Binh (thành Nghệ An) rồi phát triển ra các nơi khác. Do bị lộ nên nghĩa binh bị đàn áp, binh biến chấm dứt. Cuối tháng 2/1941, Tòa án binh Hà Nội xử 51 bị can trong vụ khởi nghĩa Rạng - Đô Lương. Đội Cung, cai Vỵ cùng 9 người lính khác bị kết án tử hình, 12 người bị án chung thân, 2 người bị án 20 năm khổ sai... Sáng 25/4/1941, ông bị hành quyết ở Vinh.
  11. Đời dưa nói dưa đỏ, đời mít khen mít thơm
    Chỉ hạng tráo trở, nịnh hót, xu thời.
  12. Đọi đèn
    Cái bát đựng dầu lạc hay thầu dầu để thắp đèn ngày xưa. Đọi đèn thường là thứ bát nông để cho khỏi phải đổ nhiều dầu, mà bấc cũng dễ hút dầu, thắp cho đỡ tốn.
  13. Đồi Đùm
    Một ngọn đồi thuộc địa phận xã Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội . Tương truyền khi Sơn Tinh gánh đất đắp núi đánh nhau với Thủy Tinh, khi đi qua đây thì quai gánh bị đứt, đất đổ ra thành đồi.
  14. Đói hư việc, điếc hư thân
    Đói nghèo, thiếu thốn thì thiếu điều kiện làm tốt công việc. Điếc thì không nghe được người khác khuyên nhủ, nhắc nhở nên không tự sửa mình được.
  15. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  16. Đội Nhân
    Tên thật là Đặng Đình Nhân, sinh năm 1880, quê ở Bạch Mai (nay thuộc khu phố Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ông là một trong những người lãnh đạo vụ Hà thành đầu độc. Vụ việc không thành, ngày 8/7/1908, ông bị chém cùng với các bạn đồng chí khác. Khi nghe kết tội "phiến loạn," ông đã khẳng khái trả lời: "Ta không làm loạn, mà chỉ trung với nước!" Đầu của các ông bị bỏ trong rọ tre, treo ở cành đa cổ thụ, ngã tư Trung Hiền, cửa ngõ đông người qua lại ở làng Bạch Mai để thị chúng, nhưng ngay trong đêm đó, dân làng và họ hàng đã bí mật cướp đi chôn. Hiện nay ở Ba Đình, Hà Nội có con đường mang tên ông.
  17. Đói no vua bếp hay, đắng cay bà gừng biết
    Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công: Ông Bếp phụ trách việc bếp núc nên gia chủ đói hay no, nấu nướng ăn uống món gì đều không giấu được. Còn “bà Gừng” thường được dùng để “làm thang” cho ấm thuốc Bắc (cắt ba lát gừng bỏ chung với ấm thuốc để đun). Vì “nằm” ngay trong siêu thuốc suốt quá trình sắc nên thuốc đắng hay cay “bà gừng đều biết” cả, không thể giấu được. [...] Nghĩa bóng câu thành ngữ này là: Không thể giấu giếm được sự thật; Sự thật sẽ được xác minh bởi những người trong cuộc.
  18. Đòi phen
    Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").

    Trông tư bề chân trời mặt đất;
    Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen

    (Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)

  19. Đội Quyên
    Tên thật là Lê Quyên (1859 - 1917), một thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp của phong trào Cần Vương. Ông từng tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng, rồi sau khi khởi nghĩa bị dập tắt thì tham gia Duy Tân hội, rồi Việt Nam Quang phục hội, tiếp tục đánh Pháp. Theo sách 284 anh hùng hào kiệt của Việt Nam, trong một đợt đi công tác, ông bị bệnh phải nằm lại nhà bạn là Đặng Nguyên Cẩn ở Lương Điền (Thanh Chương, Nghệ An) thì bị mật báo. Đêm 20/8/1917 (Đinh Tỵ), quân Pháp kéo đến vây bắt ông. Mặc dù bị bệnh, ông vẫn chống cự kịch liệt, nhưng rồi tự sát vì không muốn sa vào tay đối phương, hưởng dương 58 tuổi. Hiện ở thành phố Vinh có con đường mang tên ông.
  20. Đòi tru
    Dẫn trâu, dắt trâu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).