Chủ đề: Quê hương đất nước

Chú thích

  1. Hòn Yến
    Tên một đảo đá cao nằm ngoài khơi xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa nơi đây có rất nhiều chim yến đến làm tổ, nên có tên gọi như vậy. Hiện nay Hòn Yến được xem là một thắng cảnh độc đáo của Phú Yên.

    Hòn Yến

    Hòn Yến

  2. Lưới mành
    Loại lưới đánh cá biển truyền thống của các tỉnh Nam Bộ, chủ yếu dùng để khai thác các loài cá nổi như cá chim, trích, nục, cơm, bạc má, chỉ vàng...

    Lưới mành

    Lưới mành

  3. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Hòn Dứa
    Một hòn đảo nhỏ thuộc địa phận thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Xung quanh đảo có gành đá rạng lô nhô trên mặt nước, một số chìm khuất nên thuyền bè không thể cập bến được. Phía nam hòn đảo này không có rạn (bãi đá), rộng khoảng 50m, thuyền vào được nhưng phải là dân địa phương, am tường địa thế mới dám lái thuyền vào đậu sát mé. Trên đảo có rất nhiều dứa mọc thành từng chòm. Có lẽ vì đặc điểm này nên đảo có tên Hòn Dứa.

    Hòn Dứa ngoài khơi huyện Tuy An, Phú Yên. Bãi đá đen phía trước Hòn Dứa là một phần của bãi đá cạn được gọi là Hòn Than. Xa xa phía nam đằng sau Hòn Dứa là núi Đá Bia.

    Một góc bãi cát phía tây nam Hòn Dứa. Bãi cạn đá đen phía trước Hòn Dứa là Hòn Than. Phía xa xa đằng sau là núi Đá Bia.

  5. Hòn Than
    Một hòn đảo nằm giữa Hòn ChùaHòn Dứa, nay thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.
  6. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  7. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  8. Gành Hàu
    Địa danh nay thuộc thôn Tân Hòa, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Phía ngoài Gành Hàu là cù lao Mái Nhà.
  9. Rau câu
    Một loại rong biển, là nguyên liệu chính để làm các món rau câu, thạch, xu xoa... Người dân ven biển những vùng có nhiều rau câu thường vớt rau câu bán.

    Rau câu

    Rau câu

  10. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  11. Bủa
    Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
  12. Bãi Bàng
    Tên một bãi cát thuộc thôn Phú Ốc, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Bãi chạy dài khoảng 300m, phía nam gần với gành Đá Dĩa, cách chừng 100m.

    Tương truyền khi Nguyễn Ánh cùng quân lính bôn tẩu vào Nam, bị quân Tây Sơn chặn đánh tan rã, phải cùng một số cận thần chạy thoát xuống thôn Hội Phú. Quân Tây Sơn đuổi đến thôn Hội Phú, bỗng dưng trời tối như mực, cho là điềm lạ nên không dám xua quân vượt núi. Nguyễn Ánh vượt qua khỏi núi đến dừng chân tạm nơi bãi biển này. Lúc bấy giờ số tàn quân và tướng tá tùy tùng tìm đến, họp bàn rồi dùng thuyền vượt biển vào Nam. Các cụ lão làng lân cận kể lại, từ đó bãi này có tên Bãi Bàng (giọng miền Trung không phân biệt bànbàng).

  13. Chợ Giã
    Tên một cái chợ nay thuộc thôn Xuân Phu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
  14. Tiên Châu
    Tên một cửa biển thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nằm ở hạ lưu sông Cái, sát bên bờ biển. Tiên Châu là vùng đất có phong cảnh đẹp, đồng thời là một cảng biển sầm uất từ thế kỉ 17.
  15. Gành Đỏ
    Một địa danh nay thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vừa là tên ngọn đèo, vừa là một vịnh biển. Tại đây có đặc sản nước mắm Gành Đỏ nổi tiếng cả nước.

    Buổi sáng ở Gành Đỏ (Ảnh: Trịnh Vũ Cường)

    Buổi sáng ở Gành Đỏ (Ảnh: Trịnh Vũ Cường)

  16. Cá thiều
    Còn gọi là cá gúng, một loại cá biển có da trơn, chế biến được thành nhiều món ăn ngon như khô tẩm, muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa… Cá thiều đi theo đàn, nên ngư dân trên biển nếu gặp cá thiều thì coi như trúng lớn.

    Cá thiều

    Cá thiều

  17. Bàu Súng
    Tên một bàu nước có diện tích độ 2,5 km2 thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Bàu mọc nhiều hoa súng nên có tên gọi như vậy. Xung quanh bàu, người dân trồng nhiều khoai lang, dưa gang, mướp...

    Vớt bông súng trên Bàu Súng

    Vớt bông súng trên Bàu Súng

  18. Cầu Vạn Củi
    Tên một cây cầu nằm gần cửa biển Tiên Châu, Phú Yên. Có tên như vậy có lẽ vì bên bờ Nam của cầu, người dân thường làm nghề củi.
  19. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  20. Xuân Đài
    Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.

    Vịnh Xuân Đài

    Vịnh Xuân Đài

  21. Sông Cầu
    Một địa danh thuộc tỉnh Phú Yên, nay là thị xã cực bắc của tỉnh. Tại đây trồng rất nhiều dừa và có nhiều sản vật từ dừa. Sông Cầu cũng có nhiều lễ hội tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá địa phương như lễ hội cầu ngư, lễ hội Sông nước Tam Giang được tổ chức vào mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch...

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

  22. Trung Trinh
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Phía nam thôn giáp thôn Lệ Uyên (trong địa bạ là Suối Tre), phía bắc giáp Đèo Nại, phía tây có núi Ông Định cao độ 305 m, thấp nhất trong vùng, chạy dài theo hướng bắc nam. Phía đông có dãy núi khởi đầu từ hướng bắc chạy về nam đến cuối phình to ra như hình một cái chài mà chóp là hướng bắc. Núi này có tên là Hòn Giông còn gọi là núi Đá, bìa núi là ranh giới giữa hai thôn Lệ Uyên và Trung Trinh.
  23. Đá Tượng
    Tên một xóm đầu thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Phía Đông giáp Vũng Mắm (Phú Mỹ), phía tây giáp Trung Trinh, phía nam giáp vịnh Xuân Đài. Dân cư ở đây có chừng một trăm hộ. Tại đây có nhiều tảng đá lớn sắp xếp lộn xộn, vì thế có tên là Đá Tượng. Dân ở vùng này đa số làm nghề biển, có nuôi tôm hùm bằng lồng sắt dưới lòng vịnh sâu, một số làm nghề muối và nghề nông. Dọc làng Đá Tượng có nhiều lăng Ông Nam Hải.
  24. Bãi Đồng
    Một địa danh thuộc thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
  25. Cù Mông
    Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

    Đèo Cù Mông

    Đèo Cù Mông

  26. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  27. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  28. Gò Cát
    Một địa danh nay là xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tại đây có gạo Gò Cát nổi tiếng thơm, dẻo, là nguyên liệu làm nên đặc sản hủ tiếu Mỹ Tho.

    Hủ tiếu Mỹ Tho

    Hủ tiếu Mỹ Tho

  29. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  30. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  31. Đông Hồ
    Tên một cái đầm thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, ăn thông với cửa biển Trần Hầu, có diện tích tự nhiên khoảng 1.384ha. Đầm có nguồn thủy hải sản đa dạng, đồng thời có giá trị lớn về sinh thái.

    Đầm Đông Hồ nhìn từ núi Tô Châu

    Đầm Đông Hồ nhìn từ núi Tô Châu

  32. Thờn bơn
    Còn gọi là cá bơn, một loại cá thân dẹp, hai mắt nằm cùng một bên đầu. Vì vị trí hai mắt như vậy nên khi nhìn chính diện có cảm giác miệng bị méo.

    Cá thờn bơn

    Cá thờn bơn

  33. Thị tứ
    Khu vực có dân cư đông đúc, các ngành buôn bán phát triển. Từ này đôi khi cũng được dùng như tính từ.
  34. Kinh Cùng
    Địa danh nay là thị trấn thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
  35. Tràm
    Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.

    Rừng tràm ở Long An

    Rừng tràm ở Long An

  36. Củi lụt
    Những cây gỗ trôi trên sông khi có lũ lụt, nước lớn, thường được vớt vào phơi khô để dành làm củi đốt.

    Vớt củi lụt

    Vớt củi lụt

  37. Ý nói tràm xanh nhiều (tới mức rẻ) như củi lụt.
  38. Rạch Gầm-Xoài Mút
    Tên gọi một đoạn sông Tiền giới hạn bởi 2 sông nhánh nhỏ là Rạch Gầm (phía thượng lưu) và Xoài Mút (phía hạ lưu), ngày nay nằm giữa địa phận thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tại đây, ngày 20 tháng 1 năm 1785, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh tan năm vạn quân Xiêm do Nguyễn Ánh cầu viện trong trận đánh sau này được mang tên là trận Rạch Gầm-Xoài Mút.

    Xem vở cải lương Tiếng sóng Rạch Gầm.

  39. Vàm
    Cửa sông. Đây là từ mượn từ tiếng Khmer péam. Nước ta có nhiều địa danh có tiền tố Vàm: Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Vàm Nao, Vàm Sát, Vàm Cống...
  40. Mỹ Tho
    Thành phố tỉnh lị thuộc tỉnh Tiền Giang. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Khmer srock mé sa, mi so, nghĩa là "xứ có người con gái nước da trắng." Lịch sử hình thành của vùng đất này bắt nguồn từ khoảng thế kỷ 17, một nhóm người Minh Hương di cư từ Trung Quốc đã được chúa Nguyễn cho về định cư tại đây và lập nên Mỹ Tho đại phố. Đô thị này cùng với Cù Lao Phố (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) là hai trung tâm thương mại lớn nhất tại Nam Bộ lúc bấy giờ. Trải qua nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, Mỹ Tho đại phố mất dần vai trò trung tâm thương mại về tay của vùng Sài Gòn - Bến Nghé.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay là một đầu mối giao thông quan trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có thế mạnh về thương mại - dịch vụ và du lịch. Một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Mỹ Tho là hủ tiếu.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Hủ tiếu Mỹ Tho

    Hủ tiếu Mỹ Tho