Ca dao – Dân ca

Chú thích

  1. Tô Lịch
    Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
  2. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  3. Kim Ngưu
    Tên một dòng sông tại Hà Nội. Kim Ngưu có nghĩa là Trâu Vàng. Theo truyện cổ dân gian, Trâu Vàng ở bên Tàu khi nghe thấy tiếng chuông đồng đen của thiền sư Nguyễn Minh Không ở nước Nam thì tưởng là tiếng trâu mẹ gọi, liền chạy sang. Đường nó chạy lún xuống thành sông Kim Ngưu. Đến phía Tây thành Thăng Long thì tiếng chuông dứt, Trâu Vàng liền xới đất tung lên để tìm mẹ làm đất chỗ đó thụt xuống, thành hồ Kim Ngưu, tức Hồ Tây. Sông Kim Ngưu xưa là một tuyến giao thông đường thủy, nay chỉ có chức năng là một sông thoát nước cho nội thành Hà Nội.

    Một đoạn sông Kim Ngưu

    Một đoạn sông Kim Ngưu

  4. Khóa sinh
    Học trò đã đỗ khảo khóa (kỳ thi sát hạch ở địa phương) thời phong kiến.
  5. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  6. Gióng
    Có nơi nói là lóng, là một khoảng giữa hai đốt của thân cây có đốt như tre hay mía.
  7. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn

  8. Tơ vương
    Tơ bị dính vào nhau; thường được dùng trong văn chương để ví tình cảm yêu đương vương vấn, khó dứt bỏ.
  9. Dan díu
    Có quan hệ yêu đương với nhau.

    Con dan díu nợ giang hồ
    Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  10. Có bản chép: bụi chuối.
  11. Con chuối
    Chồi của cây chuối, mọc lên từ củ chuối.
  12. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  13. Thông
    Tên loài cây thân gỗ, thẳng và cao, thường xanh (lá hầu như xanh quanh năm), nhựa thơm, quả nón, thường mọc trong các rừng rậm nhiệt đới khắp nước ta. Trong quan niệm Nho giáo, thông cũng tượng trưng cho người quân tử.

    Đồi thông Đà Lạt

    Đồi thông Đà Lạt

  14. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  15. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  16. Ruộng cả ao liền
    Ruộng lớn rộng bát ngát và ao liền bờ, ý nói cơ ngơi đồ sộ, giàu có.
  17. Tháp Rùa
    Tên một ngọn tháp nằm trên đảo Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm. Xưa là Điếu Đài, nơi vua Lê ra câu cá (điếu), rồi chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng, sau vua Lê Chiêu Thống cho đập phá hết. Tháp Rùa ngày nay do bá hộ Nguyễn Ngọc Kim xây dựng năm 1886 với ý đồ táng mộ cha ở đó, nên ban đầu có tên là Tháp Bá hộ Kim.

    Hồ Gươm đầu thế kỉ XX

    Tháp Rùa xưa

  18. Cầu Thê Húc
    Cây cầu gỗ sơn màu đỏ, nối bờ hồ Hoàn Kiếm với cổng đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), được Nguyễn Văn Siêu xây dựng vào năm 1865. Cầu bị gãy vào năm 1953 và được sửa lại, gia cố phần móng bằng xi măng. Tên cầu Thê Húc 棲旭 nghĩa là "đón ánh sáng mặt trời buổi sớm."

    Cầu Thê Húc năm 1945. Ảnh: Võ An Ninh

    Cầu Thê Húc năm 1945. Ảnh: Võ An Ninh

  19. Tháp Bút
    Tên một tòa tháp ở Hồ Gươm (Hà Nội). Tháp được xây dựng từ thời vua Tự Đức, làm bằng đá, cao năm tầng, đỉnh có hình một chiếc bút lông chỉ lên trời.

    Tháp Bút. Ba chữ Hán từ trên xuống là 寫青天 (Tả Thanh Thiên), nghĩa là "viết lên trời xanh."

    Tháp Bút. Ba chữ Hán từ trên xuống là Tả Thanh Thiên, nghĩa là "viết lên trời xanh."

  20. Đài Nghiên
    Tên một cái cổng ở đầu cầu Thê Húc, trên cổng có đặt nghiên mực bằng đá hình quả đào bổ đôi theo chiều dọc, có tạc ba con ếch đội nghiên. Trên nghiên có khắc một bài minh (một thể văn xưa) của Nguyễn Văn Siêu. Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.

    Tháp Nghiên

    Đài Nghiên

  21. Sử xanh
    Ngày xưa khi chưa có giấy, sử sách được chép lên miếng tre trúc, có vỏ màu xanh, nên được gọi là sử xanh (thanh sử).

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

  22. Lý Thái Tổ
    Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.

    Tượng đài Lý Thái Tổ

    Tượng đài Lý Thái Tổ

  23. Thăng Long
    Tên cũ của Hà Nội từ năm 1010 - 1788. Tương truyền Lý Thái Tổ khi rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên mới gọi kinh đô mới là Thăng Long (rồng bay lên). Ngày nay, tên Thăng Long vẫn được dùng nhiều trong văn chương và là niềm tự hào của người dân Hà Nội.

    Ai về xứ Bắc ta đi với
    Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
    Từ độ mang gươm đi mở cõi
    Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

    (Huỳnh Văn Nghệ)

    Trong thơ văn cổ, Thăng Long cũng được gọi là Long Thành (kinh thành Thăng Long), ví dụ tác phẩm Long Thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) của Nguyễn Du.

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

  24. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  25. Đất rồng
    Đất có vị trí địa lí thuận lợi, theo thuật phong thủy.

    "... ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời."
    (Chiếu dời đô)

  26. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  27. Bài
    Cách làm, phương kế, cách xử trí.

    Chút chi gắn bó một hai
    Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh

    (Truyện Kiều)

  28. Rau ngổ
    Còn gọi là rau om, ngò (mò) om, ngổ hương, ngổ thơm, ngổ điếc, thạch long vĩ, là loài cây thân thảo có chiều cao khoảng 20cm, thân xốp có nhiều lông. Lá không cuống, mọc đối hoặc mọc vòng, mép lá có răng cưa thưa. Rau thường mọc nhiều ở ao, rạch, mương và thường được trồng làm rau gia vị.

    Rau ngổ

    Rau ngổ

  29. Ba Vì
    Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.

    Ba Vì được xem là dãy núi tổ của dân tộc ta.

    Ba Vì

    Ba Vì

  30. Tam Đảo
    Tên một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc nước ta nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi cao là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Đầu thế kỉ XX, đây là nơi thực dân Pháp chọn làm nơi nghỉ mát. Ngày nay Tam Đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc.

    Tam Đảo trong sương

    Tam Đảo trong sương

  31. Độc Tôn
    Một dãy núi gồm khoảng 8-9 đỉnh núi, thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngoài đỉnh cao nhất là Hàm Lợn (còn có tên là Chân Chim, cao 500m, được mệnh danh là "mái nhà của Hà Nội"), dãy Độc Tôn còn có các đỉnh Thanh Lanh, Bà Tượng, Lục Dinh... đều là những đỉnh núi cao và hiểm trở.

    Hồ Hàm Lợn trên núi Hàm Lợn, thuộc dãy Độc Tôn

    Hồ Hàm Lợn trên núi Hàm Lợn, thuộc dãy Độc Tôn

  32. Lịch
    Lịch lãm, thanh lịch. Cũng hiểu là xinh đẹp.
  33. Sắc
    Phong cảnh (từ Hán Việt).
  34. Chúa Nguyễn
    Cách gọi chung trong sử sách và dân gian về chín đời chúa đều thuộc dòng họ Nguyễn, kế tiếp nhau cai trị và mở mang các vùng đất từ Thuận Hóa (phía nam đèo Ngang hiện nay) vào miền Nam, bắt đầu vào đầu giai đoạn Lê trung hưng của nhà Hậu Lê, hay giữa thế kỷ 16, cho đến khi bị nhà Tây Sơn tiêu diệt năm 1777. Họ là tiền thân của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta (1802-1945). Chín đời chúa Nguyễn và mười ba đời vua Nguyễn sau này có công rất lớn trong việc thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi, mang lại hình dạng non sông như hiện nay.