Quỳnh Mai

Bài đóng góp:

  • Trên trời có đám mây xanh

    Trên trời có đám mây xanh
    Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
    Ước gì anh lấy được nàng
    Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
    Xây dọc rồi lại xây ngang
    Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
    Rửa chân cho chí rửa tay
    Chớ rửa lông mày chết cá ao anh

    Video

  • Cái cò lặn lội bờ ao

    Cái cò lặn lội bờ ao
    Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
    Chú tôi hay tửu hay tăm
    Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa
    Ngày thì ước những ngày mưa
    Đêm thì ước những đêm thừa trống canh

    Dị bản

    • Cái cò lặn lội bờ sông
      Hỏi cô má hồng lấy chú tôi chăng
      Chú tôi hay tửu hay tăm
      Hay uống trà đặc, hay nằm ngủ trưa.

  • Con tôi buồn ngủ buồn nghê

    Con tôi buồn ngủ buồn nghê
    Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà
    Nhà còn có một quả cà
    Làm sao đủ miếng cơm và cho con
    Con tôi khóc héo, khóc hon
    Khóc đòi quả thị méo trôn đầu mùa
    Con thèm phẩm oản trên chùa
    Con thèm chuối ngự tiến vua của làng
    Con thèm gạo cốm làng Ngang
    Con thèm ăn quả dưa gang làng Quài
    Con thèm cá mát canh khoai
    Con thèm xơ mít, thèm tai quả hồng
    Con thèm đuôi cá vây bông
    Thèm râu tôm rảo, thèm lòng bí đao

  • Hôm qua tát nước đầu đình

    Hôm qua tát nước đầu đình,
    Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
    Em được thì cho anh xin.
    Hay là em để làm tin trong nhà?
    Áo anh sứt chỉ đường tà,
    Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
    Áo anh sứt chỉ đã lâu,
    Mai cậy cô ấy về khâu cho cùng.
    Khâu rồi anh sẽ trả công,
    Đến khi lấy chồng anh lại giúp cho.
    Giúp cho một thúng xôi vò,
    Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
    Giúp cho đôi chiếu em nằm,
    Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
    Giúp cho quan tám tiền cheo,
    Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

    Dị bản

    • Áo anh rách lỗ bàn sàng
      Cậy nàng mua vải vá quàng cho anh
      Vá rồi anh trả tiền công
      Đến lúc lấy chồng anh giúp của cho:
      Giúp cho một quả xôi vò,
      Một con heo béo, một vò rượu tǎm.
      Giúp cho chiếc chiếu nàng nằm,
      Đôi áo nàng bận đôi vòng nàng đeo.
      Giúp cho quan mốt tiền cheo,
      Quan nǎm tiền cưới, lại đèo bông tai
      Giúp cho một rổ lá gai
      Một cân nghệ bột với hai tô mè
      Giúp cho năm bảy lạng chè
      Cái ấm sắc thuốc cái bồ đựng than
      Giúp cho đứa nữa nuôi nàng
      Mai ngày trọn tháng cho chàng tới lui…

    • Áo anh đã rách hai tay
      Cậy nàng so chỉ và may cho cùng
      Vá rồi anh trả tiền công
      Mai mốt lấy chồng anh giúp của cho
      Giúp cho quan mốt tiền cheo
      Quan năm tiền cưới, lại đeo mâm chè
      Giúp cho nửa giạ hột mè
      Nửa ang tiêu sọ, nửa ghè muối khô
      Giúp cho cái ấm, cái ô
      Cái niêu sắc thuốc, cái bồ đựng than
      Anh giúp cho một đứa nuôi nàng
      Lâu ngày chẵn tháng rồi chàng tới thăm…

    Video

  • Bồng bồng con nín con ơi

    Bồng bồng con nín con ơi
    Dưới sông cá lội, trên trời chim bay
    Ước gì mẹ có mười tay
    Một tay bắt cá, tay này bẫy chim
    Một tay chuốt chỉ luồn kim
    Một tay làm ruộng, tay tìm hái rau
    Một tay ôm ấp con đau
    Một tay vay gạo, tay cầu cúng ma
    Một tay khung cửi guồng xa
    Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa
    Một tay đi củi muối dưa
    Còn tay van lạy, bẩm thưa, đỡ đòn
    Tay nào để giữ lấy con
    Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay
    Bồng bồng con ngủ cho say
    Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.

Chú thích

  1. Bát Tràng
    Tên một ngôi làng nay thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nổi tiếng với truyền thống làm gốm sứ.

    Gốm sứ Bát Tràng

    Gốm sứ Bát Tràng

  2. Hồ bán nguyệt
    Hồ có hình dạng nửa hình tròn. Bán nguyệt nghĩa là một nửa mặt trăng (từ Hán-Việt).

    Hồ bán nguyệt trong chùa Khai Nguyên

    Hồ bán nguyệt trong chùa Khai Nguyên


     

  3. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  4. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  5. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  6. Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
  7. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  8. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  9. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  10. Chuối ngự
    Chuối quả nhỏ, khi chín vỏ rất mỏng, màu vàng, thịt chắc và thơm. Xưa kia giống chuối này được đem tiến vua nên có tên gọi là chuối ngự.

    Chuối ngự

    Chuối ngự

  11. Làng Ngang
    Tên một làng nay thuộc xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
  12. Làng Quài
    Chợ Quài, thuộc xã Thái Hà, Thái Thụy, Thái Bình.
  13. Cá mát
    Một loại cá nước ngọt, mình có từ ba đến sáu chấm đen, vây màu hồng. Cá mát nhỏ con chỉ bằng hai ba ngón tay người lớn. Con to nhất cũng chỉ nặng từ 0,5kg đến 0,8kg. Cá sống từng đàn ở các khe đá và nơi nước chảy xiết, thường bơi kiếm ăn vào ban đêm. Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch là mùa cá mát.

    Cá mát vừa lành vừa bổ, thịt thơm ngon, mỡ béo, ít xương, tốt cho sức khỏe. Ở nước ta, cá mát có nhiều ở sông Giăng, Nghệ An, và được xem là đặc sản Nghệ An.

    Cá mát

    Cá mát

  14. Tôm rảo
    Loại tôm nhỏ, cùng họ với tôm he, sống ở vùng nước lợ ven biển, thân hẹp và dài.
  15. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  16. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  17. Có ý kiến cho rằng cành hoa sen trong bài này là hoa sen đất. Sen đất là một loại cây thuộc chi mộc lan, thân gỗ, hoa có 9-10 cánh trắng ngần, hương thơm ngát, trông giống như hoa sen mọc ở ao hồ.

    Hoa sen đất

    Hoa sen đất

  18. Xôi vò
    Xôi nấu rồi trộn đều với đậu xanh chín giã nhỏ.

    Xôi vò

    Xôi vò

  19. Rượu tăm
    Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.
  20. Trằm
    Hoa tai. Cũng gọi là tằm.
  21. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  22. Theo phong tục cưới hỏi ngày xưa, khi đi hỏi vợ nhất thiết phải có buồng cau.
  23. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  24. Quàng
    (Làm việc gì) một cách vội vã, cốt cho xong để còn làm việc khác.
  25. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  26. Bận
    Mặc (quần áo).
  27. Gai
    Cũng gọi là cây lá gai, một loại cây thường mọc hoang hoặc được trồng quanh nhà, có lá dày hình trái tim, mặt hơi sần. Lá gai thường dùng để làm bánh ít, bánh gai hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Lá gai

    Lá gai

  28. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  29. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  30. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  31. Giạ
    Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.

    Giạ đong lúa

    Giạ đong lúa bằng gỗ

  32. Ang
    Dụng cụ để đong, đo thóc lúa, bằng gỗ, khối vuông, có nơi đan ang bằng nan tre. Dụng cụ đo gạo của người Việt rất đa dạng, tùy vùng, tùy thời và theo từng thể tích mà người ta dùng các dụng cụ khác nhau như cái giạ, cái vuông, cái yến, cái đấu, cái thưng, cái cảo, cái bơ, cái ô, cái lương, cái lon sữa bò... để đo gạo. Một ang bằng 22 lon gạo.
  33. Ghè
    Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.

    Cái ghè

    Cái ghè

  34. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  35. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  36. Cúng ma
    Cách chữa bệnh lạc hậu, mê tín dị đoan cho rằng phải cúng ma thì mới khỏi bệnh.
  37. Guồng xa
    Máy kéo sợi thủ công để tạo nên sợi, từ đó mới đưa qua khung cửi và dệt thành vải, thành hàng.

    Quay sợi bằng guồng xa

    Quay sợi bằng guồng xa

  38. Muối dưa
    Trộn một hoặc nhiều loại rau, củ, quả với muối và một số gia vị rồi để lên men cho chua, dùng làm thức ăn.

    Dưa cải muối

    Dưa cải muối