Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Người phụ nữ sau khi sinh nở nên kiêng cữ các hoạt động vợ chồng khoảng ba tháng để cơ thể bình phục hẳn.
  2. Ru
    Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
  3. Đo đắn
    Một cách nói của đắn đo. Chỉ sự lưỡng lự.
  4. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  5. Cun cút
    Cũng gọi là chim cút, một loài chim nhỏ cùng họ với gà, đuôi cộc, chân ngắn, lông màu nâu xám, thường sống ở đồi cỏ, lủi rất nhanh trong bụi cây. Chim cút cũng được nuôi để lấy thịt, trứng.

    Chim cút

    Chim cút

  6. Khoai mì
    Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).

    Khoai mì luộc

    Khoai mì luộc

  7. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  8. Chữ triêu 朝 nhìn giống hai chữ thập 十 (mười) ở trên và dưới kẹp chữ viết 曰 (rằng) ở giữa, bên phải có thêm chữ nguyệt 月 (mặt trăng).
  9. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  10. Chim xanh
    Tên một họ chim dạng sẻ, có hình dáng giống chào mào, sinh sống thành đàn trong rừng, kiếm ăn tại các rừng nghèo nhiều dây leo, bụi rậm. Chim ăn côn trùng, nên là loài có ích cho lâm nghiệp và nông nghiệp.

    Trong văn học cổ, chim xanh là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nên thường được xem là người đưa tin, làm mối, hoặc chỉ tin tức qua lại, tuy hiện không rõ có đúng là loài chim xanh này không.

    Chim xanh cánh lam

    Chim xanh cánh lam

  11. Phú Quốc
    Được mệnh danh là đảo Ngọc, hòn đảo lớn nhất nước ta, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc có nhiều bãi biển rất đẹp, thu hút nhiều khách du lịch. Nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản hồ tiêu có vị cay nồng rất riêng.

    Bãi biển Phú Quốc

    Bãi biển Phú Quốc

  12. Nếp cái hoa vàng
    Một loại lúa nếp truyền thống nổi tiếng của các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Nếp có hạt gạo tròn, dẻo, thơm đặc biệt nên thường dùng đồ xôi, làm cốm, làm các loại bánh có sử dụng gạo nếp, làm tương hoặc ủ rượu. Nếp được gọi là "nếp cái hoa vàng" do khi lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng chứ không trắng như các loại lúa khác. Nếp cái hoa vàng chỉ được trồng vào vụ mùa.

    Nếp cái hoa vàng

    Nếp cái hoa vàng

  13. Tràng Lưu
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, từ xưa đã là một vùng đất văn vật. Gái Tràng Lưu thông minh, xinh đẹp, nết na có tiếng.
  14. Chó chực chuồng chồ
    Chỉ sự đê tiện, nhục nhã vì miếng ăn.
  15. Cầy
    Tên chung của một số loài thú giống mèo, thân hình mềm mại, mõm dài và nhọn, chủ yếu sống ở trên cây, ăn thịt. Cầy có khả năng tiết ra mùi riêng rất mạnh, tùy theo loài mà mùi có thể hôi hoặc thơm. Ở nước ta có các giống cầy như cầy hương, cầy mực, cầy giông... Lưu ý: nhiều người vẫn gọi chó là cầy và thịt chó là thịt cầy, đây là một sự nhầm lẫn.

    Con cầy

    Con cầy

  16. Hà Tây
    Tên một tỉnh cũ, từ 2008 đã sát nhập vào Hà Nội. Hà Tây có trên 200 làng nghề với những sản phẩm đặc sắc và được nhiều người ưa chuộng như lụa Vạn Phúc, sơn mài - Duyên Thái, tiện gỗ - Nhị Khê, thêu - Quất Động, nón Chuông, quạt Vác, khảm trai Chuyên Mỹ, hàng mây tre Phú Vinh, đồ mộc Chàng Sơn, Sơn Đồng, may Trạch Xá, đàn Đào Xá, mộc Đại Nghiệp, tơ lưới Hà Thao, tò he Xuân La... Nơi đây cũng có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử như vườn quốc gia Ba Vì, ao Vua, làng cổ Đường Lâm, lăng Ngô Quyền, lăng Phùng Hưng, thành cổ Sơn Tây...

    Làng cổ Đường Lâm

    Làng cổ Đường Lâm

  17. Câu ca dao nhại theo lời bài hát Hà Tây quê lụa của nhạc sĩ Nhật Lai:

    Hà Tây cửa ngõ Thủ Đô
    Áo giáp chở che ngàn năm bền vững.

  18. Tràng Thi
    Tên một phố thuộc huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc hai phường Hàng Trống và Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm. Phố dài 860m từ phố Bà Triệu đến phố Cửa Nam, cắt ngang qua các phố Quang Trung, ngă tư Phủ Doãn - Triệu Quốc Đạt và phố Quán Sứ. Phố có tên gọi như vậy vì từ đời nhà Lê, trường thi Hương đặt tại đây. Thời Pháp thuộc, người Pháp dịch tên phố thành Rue du Camp des Lettres, sau đổi là phố Borgnis-Desbordes (tên một tướng Pháp). Sau Cách mạng, phố được đổi tên thành Tràng Thi như cũ.
  19. Tam Hoàng Ngũ Đế
    Thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, và là các vị vua huyền thoại của Trung Quốc trong thời kỳ từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN, ngay trước thời nhà Hạ. Tam Hoàng là ba vị vua đầu tiên của nước này, Ngũ Đế là năm vị vua nối tiếp theo Tam Hoàng, có công khai hóa dân tộc Trung Hoa, đưa dân tộc này thoát khỏi tình trạng sơ khai.

    Các học giả Trung Hoa không nhất trí với nhau về Tam Hoàng và Ngũ Đế cụ thể là ai.

    Tam hoàng, tùy theo ý kiến, có thể bao gồm Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông; hoặc Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng; hoặc Phục Hy, Thần Nông, Toại Nhân.

    Ngũ đế có thể là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, và Đế Thuấn; có thể là các vị thần ở các phương: Thiếu Hạo (đông), Chuyên Húc (bắc), Hoàng Đế (trung), Phục Hi (tây), Thần Nông (nam); hoặc có thể đồng nhất với Ngũ thị, bao gồm: Hữu Sào thị, Toại Nhân thị, Phục Hi thị, Nữ Oa thị, Thần Nông thị.

    Ngoài ra, còn có các thuyết khác về thành phần của Tam Hoàng Ngũ Đế.

     

  20. Tam Hoàng Ngũ Đế chi thư
    Sách của Tam Hoàng, Ngũ Đế.
  21. Đụt
    Trú mưa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Nõn
    Mịn, mượt, láng lẩy.