Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  2. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  3. Me đất
    Còn gọi là chua me hoặc chua me đất, một loại cây thân thảo, mọc bò sát đất, hoa vàng hoặc tím. Lá me đất ăn được, vị hơi chua, có thể dùng để luộc, nấu canh ăn, nấu lấy nước uống. Cây và lá còn được dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Me đất

    Me đất

  4. "Me đất" nói lái lại thành "mất đe."
  5. Duy Tân
    (19 tháng 9, 1900 – 26 tháng 12, 1945) Hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn (ở ngôi từ 1907 tới 1916), sau vua Thành Thái. Ông lên ngôi khi mới 8 tuổi, và càng lớn càng tỏ thái độ bất hợp tác với Pháp. Năm 1916, ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang Phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân để tổ chức khởi nghĩa. Dự định thất bại, ông bị bắt và đày đến đảo Réunion ở Ấn Độ Dương. Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945) ông gia nhập quân Đồng Minh chống phát xít Đức. Ngày 26 tháng 12 năm 1945, ông mất vì tai nạn máy bay ở Cộng hoà Trung Phi, hưởng dương 45 tuổi. Ngày 24 tháng 4 năm 1987, thi hài ông được đưa từ đảo Réunion về Việt Nam, rồi đưa về an táng tại Lăng Dục Đức, Huế cạnh lăng mộ vua cha Thành Thái.

    Vua Duy Tân

    Vua Duy Tân

  6. Tức năm 1913, khi vua Duy Tân đang trị vì.
  7. Tất niên
    Cuối năm (từ Hán Việt).
  8. Truân chuyên
    Vất vả. Từ này có gốc từ từ Hán Việt truân chiên 迍邅 nghĩa là "Vướng víu, chật vật không bước lên được" (theo Thiều Chửu).
  9. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  10. Có thể hiểu là "Thật là may mắn, khéo léo."
  11. Cơn
    Cây (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  12. Trộ
    Trận (phương ngữ).
  13. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  14. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  15. Kháp
    Khớp, ăn khít vào nhau. Cũng dùng với nghĩa là "gặp mặt."
  16. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  17. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  18. Gie
    (Nhánh cây) chìa ra.
  19. Đom đóm
    Loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang, có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ.

    Con đom đóm

    Con đom đóm

  20. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  21. Trào
    Triều (từ cũ).