Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vầng hồng
    Mặt trời (vầng hồng: khối lớn màu đỏ).
  2. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  3. Sợi mắc
    Sợi tơ chính, được mắc dọc theo khung cửi dệt lụa. Khi dệt, tơ mành được luồn ngang kéo bằng con thoi giữa hai hàng sợi mắc. Vì thường bị kéo căng, sợi mắc phải chắc chắn hơn và thường to hơn sợi mành.
  4. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)

  5. Nốt son
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nốt son, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  6. Nốt cục
    Nốt rối thường có trên những sợi tơ tằm to, sần. Những sợi tơ có nốt cục không thể dùng để dệt lụa, mà lại dành để dệt quai thao cho nón.
  7. Triều Khúc
    Còn có tên là Cầu Đơ, Kẻ Đơ, hay Đơ Thao, là một ngôi làng cổ nay thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Kẻ Đơ nổi tiếng với nghề dệt quai thao cho nón từ lâu đời. Trong làng có hai ngôi đình thờ Phùng Hưng, được dựng từ thế kỷ 17 với quy mô kiến trúc khá bề thế. Theo thần phả và truyền thuyết thì vào năm 791, trên đường tiến quân vào bao vây thành Tống Bình (nội thành Hà Nội ngày nay), dẹp bỏ ách đô hộ của nhà Đường do Cao Chính Bình cầm đầu, Phùng Hưng đã chọn Triều Khúc làm đại bản doanh, tức khu vực đình hiện nay.

    Làng Triều Khúc

    Làng Triều Khúc

  8. Bánh canh
    Một món ăn bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại. Sợi bánh to, được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn. Trảng Bàng (Tây Ninh) là nơi có đặc sản bánh canh có thể xem là nổi tiếng nhất nước ta.

    Bánh canh Trảng Bàng

    Bánh canh Trảng Bàng

  9. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  10. Thương hồ
    Người đi buôn (từ Hán Việt 商胡). Ban đầu, người Trung Hoa gọi những lái buôn người nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Á, Ba Tư và Ả Rập, đến Trung Hoa buôn bán là "thương hồ" ("Hồ" nghĩa là người không phải dân tộc Hán). Về sau, "thương hồ" trở thành danh từ chỉ người đi buôn nói chung.
  11. Nhây
    (Làm việc gì) kéo dài, không dứt.
  12. Cô nhi
    Trẻ mồ côi.
  13. Sò huyết
    Một loại sò, có tên như vậy vì có huyết đỏ. Sò huyết là một loại hải sản rất tốt cho sức khỏe, và được chế biến thành nhiều món ăn ngon như sò huyết nướng, cháo sò huyết... Ngày xưa sò huyết còn dùng để tiến vua.

    Sò huyết

    Sò huyết

  14. Rẫy
    Ruồng bỏ, xem như không còn tình cảm, trách nhiệm gì với nhau.
  15. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  16. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  17. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  18. Bả lú
    Đánh bả làm cho người khác lú lẫn, si dại.
  19. Dây chão
    Dây thừng loại to, rất bền chắc.
  20. Sông Lam
    Còn gọi là sông Ngàn Cả hay sông Cả, một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chính sông Lam chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại cửa Hội.

    Sông Lam

    Sông Lam

  21. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Sâu róm
    Một số nơi gọi là sâu rọm, tên chung của nhiều loại sâu có lông rậm. Lông sâu róm thường có chất độc, người bị chích phải sẽ bị ngứa ngáy hoặc đau nhức ở vùng da tiếp xúc, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong.

    Sâu róm

    Sâu róm

  23. Đun
    Đẩy.
  24. Bách niên
    Trăm năm (từ Hán Việt). Ý nói thời gian lâu dài về sau.
  25. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  26. Khêu
    Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.

    Một cây đèn dầu

    Một cây đèn dầu

  27. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  28. Sao chổi
    Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.

    Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.

    Sao chổi

    Sao chổi

  29. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  30. Cai Vàng
    Nguyễn Văn Thịnh (hay Nguyễn Thịnh), tục danh là Vàng, vì có thời làm cai tổng nên được gọi là Cai Vàng hay Cai Tổng Vàng. Năm 1862, lấy danh nghĩa "phù Lê," ông khởi binh chống lại triều đình Tự Đức ở vùng Bắc Ninh vào năm 1862. Ông tử trận ngày 30 tháng 8 năm đó, nhưng với tài chỉ huy của người vợ thứ (tục gọi là Bà Ba Cai Vàng), cuộc nổi dậy do ông khởi xướng vẫn tồn tại cho đến tháng 3 năm sau mới chấm dứt.