Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chun lòn
    Chun: chui. Lòn: luồn (cả hai đều là phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Cá Ông
    Tên gọi của ngư dân dành cho cá voi. Do cá voi có tập tính nương vào vật lớn (như thuyền bè) mỗi khi có bão, nên nhiều ngư dân mắc nạn trên biển được cá voi đưa vào bờ mà thoát nạn. Cá voi được ngư dân tôn kính, gọi là cá Ông, lập nhiều đền miếu để thờ.

    Bộ xương cá Ông trong đền thờ ở vạn Thủy Tú, Phan Thiết

    Bộ xương cá Ông trong đền thờ ở vạn Thủy Tú, Phan Thiết

  3. Tiêu minh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu minh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  4. Hóa cơ
    Cũng như thiên cơ, nghĩa là cơ của trời đất, tạo hóa. Người xưa xem trời đất là một cỗ máy (cơ).
  5. Điêu Thuyền
    Một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc. Sắc đẹp của Điêu Thuyền được ví như "bế nguyệt" (khiến trăng xấu hổ phải giấu mình đi). Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Vương Doãn lập kế gả Điêu Thuyền cho Đổng Trác hòng li gián Trác với con nuôi là Lã Bố, kết cục Lã Bố giết Đổng Trác rồi sau lại bị Tào Tháo giết chết. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhân vật Điêu Thuyền trong lịch sử vẫn còn nhiều hoài nghi.

    Điêu Thuyền

    Điêu Thuyền

  6. Lã Bố
    Cũng gọi là Lữ Bố, tự là Phụng Tiên, một tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ở nước ta, Lã Bố được biết tới chủ yếu qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, trong đó ông là một đại tướng vô cùng dũng mãnh, cưỡi ngựa Xích Thố, cầm phương thiên họa kích, có sức mạnh hơn cả Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân... Ông cũng được mô tả là một người khôi ngô tuấn tú, sánh cùng đại mĩ nhân là Điêu Thuyền.

    Lã Bố (đồ họa vi tính)

    Lã Bố (đồ họa vi tính)

  7. Đá Tượng
    Tên một hòn núi cao 127m thuộc dãy Trường Sơn, nằm ở phía Tây vịnh Xuân Đài, thuộc địa phận thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
  8. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  9. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  10. Cúp đầu
    Cắt tóc. Xem Cúp.
  11. Rau tập tàng
    Các loại rau trộn lẫn với nhau, mỗi loại một ít, thường dùng để nấu canh. Có nơi gọi là rau vặt.

    Rau tập tàng

    Rau tập tàng

  12. Ống bơ
    Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.

    Ống bơ

    Ống bơ

  13. Đây thật ra là một bài thơ của tác giả Mai Anh, nhưng một số câu trong bài đã phố biến thành ca dao thời kì bao cấp, xin đăng lên đây cho bạn đọc tham khảo.
  14. Đười ươi
    Loài linh trưởng chi họ Người, lông rậm màu vàng sẫm pha trộn với màu xám. Chúng thuộc loại gần gũi nhất với con người cả về mặt hình thể lẫn trí tuệ, có thể sử dụng công cụ một cách tinh vi. Đười ươi ngày nay có nguy cơ tuyệt chủng, chủ yếu do nạn chặt phá rừng.

    Đười ươi

    Đười ươi

  15. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  16. Sợi mắc
    Sợi tơ chính, được mắc dọc theo khung cửi dệt lụa. Khi dệt, tơ mành được luồn ngang kéo bằng con thoi giữa hai hàng sợi mắc. Vì thường bị kéo căng, sợi mắc phải chắc chắn hơn và thường to hơn sợi mành.
  17. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)

  18. Nốt son
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nốt son, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  19. Nốt cục
    Nốt rối thường có trên những sợi tơ tằm to, sần. Những sợi tơ có nốt cục không thể dùng để dệt lụa, mà lại dành để dệt quai thao cho nón.
  20. Triều Khúc
    Còn có tên là Cầu Đơ, Kẻ Đơ, hay Đơ Thao, là một ngôi làng cổ nay thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Kẻ Đơ nổi tiếng với nghề dệt quai thao cho nón từ lâu đời. Trong làng có hai ngôi đình thờ Phùng Hưng, được dựng từ thế kỷ 17 với quy mô kiến trúc khá bề thế. Theo thần phả và truyền thuyết thì vào năm 791, trên đường tiến quân vào bao vây thành Tống Bình (nội thành Hà Nội ngày nay), dẹp bỏ ách đô hộ của nhà Đường do Cao Chính Bình cầm đầu, Phùng Hưng đã chọn Triều Khúc làm đại bản doanh, tức khu vực đình hiện nay.

    Làng Triều Khúc

    Làng Triều Khúc

  21. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
  22. Tà Lơn
    Tên người dân Tây Nam Bộ gọi núi Bokor, nay là công viên quốc gia Bokor, thuộc tỉnh Kampot của vương quốc Campuchia. Nằm ở độ cao 1.080m so với mực nước biển, cao nguyên Bokor có diện tích 1580 km2, là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm. Núi Bokor có nhiều hang động thâm u, kỳ bí đã dựng nên nhiều truyền thuyết về những hảo hán, giang hồ lặn lội từ Việt Nam sang để luyện bùa chú, học võ. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Kampot, Campuchia. Bokor theo tiếng Khmer nghĩa là cái gù của con bò, xuất phát từ hình dáng của núi.

    Phong cảnh trên núi Tà Lơn

    Phong cảnh trên núi Tà Lơn

  23. Cửu trùng đài
    Nghĩa đen là tòa tháp cao chín tầng, chỉ nơi tôn nghiêm, cao quý.
  24. Bòn bon
    Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.

    Bòn bon

    Bòn bon

  25. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  26. Có bản chép: chịu cảnh mồ côi.
  27. Nhà rường
    Một loại kiến trúc cổ, ra đời vào khoảng thế kỷ 17 dưới triều đại phong kiến. Gọi là nhà rường bởi vì nhà có nhiều rường cột, rường kèo, rui mè. Cũng có tên là nhà xuyên (xiên) trính hoặc nhà đâm trính (trính là những thanh gỗ trong kết cấu mái nhà).

    Nhà rường

    Nhà rường

  28. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  29. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  30. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  31. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  32. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  33. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).