Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  2. Áo dà
    Áo nâu, thường là trang phục của người tu hành.

    Áo dà

    Áo dà

  3. Xi
    Mạ (phát âm theo tiếng Pháp cire).
  4. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  5. Om
    Đồ đựng thường làm bằng nhôm, có vòi và nắp, để đựng và nấu nước chè.
  6. Chợ Bà Hom
    Tên một chợ nằm ở quận Bình Tân thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Bà Hom cùng với Bà Rịa, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Điểm là năm bà vợ của lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (thường được gọi là Lãnh binh Thăng), người đã xây dựng cầu Ông Lãnh. Ông đã cho lập ra năm cái chợ mang tên năm bà và giao cho mỗi bà cai quản mỗi nơi.
  7. Nguyễn Văn Siêu
    Thường được gọi là Nguyễn Siêu, nhà thơ, nhà văn hóa Việt Nam thế kỉ 19. Ông cùng với người bạn vong niên Cao Bá Quát được coi là hai danh sĩ tiêu biểu thời bấy giờ. Ngoài tài năng văn chương, thơ phú và các đóng góp về nghiên cứu, Nguyễn Siêu cũng là người đã đứng ra tu sửa đền Ngọc Sơn, bắc cầu Thê Húc, xây Tháp BútĐài NghiênHồ Gươm vào năm 1865.
  8. Cao Bá Quát
    Một nhà thơ nổi danh vào thế kỉ 19, đồng thời là quốc sư của cuộc nổi dậy Mỹ Lương (sử cũ gọi là giặc Châu Chấu). Ông sinh năm 1809 tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành Hà Nội. Nổi tiếng văn hay chữ tốt từ nhỏ, nhưng do tính tình cương trực, thẳng thắn, Cao Bá Quát có hoạn lộ rất lận đận. Năm Giáp Dần (1854), ông cùng một số sĩ phu yêu nước nổi dậy tại Mỹ Lương (Sơn Tây) nhưng mau chóng thất bại và bị giết vào cuối năm 1855. Về tài năng văn chương của ông và người bạn vong niên Nguyễn Siêu, vua Tự Đức có hai câu thơ khen:

    Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
    Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường

    Tạm dịch nghĩa: Văn như Siêu, Quát thì thời nhà Hán (Trung Quốc) cũng không có được. Thơ như Tùng (Tùng Thiện Vương), Tuy (Tuy Lý Vương) thì đời nhà Đường cũng không tới được.

  9. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  10. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  11. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  12. Làng Quỷnh
    Tên một làng thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Làng có nghề truyền thống là trồng chè.
  13. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  14. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  15. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  16. Cúp đầu
    Cắt tóc. Xem Cúp.
  17. Rau tập tàng
    Các loại rau trộn lẫn với nhau, mỗi loại một ít, thường dùng để nấu canh. Có nơi gọi là rau vặt.

    Rau tập tàng

    Rau tập tàng

  18. Ống bơ
    Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.

    Ống bơ

    Ống bơ

  19. Đây thật ra là một bài thơ của tác giả Mai Anh, nhưng một số câu trong bài đã phố biến thành ca dao thời kì bao cấp, xin đăng lên đây cho bạn đọc tham khảo.
  20. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  21. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  22. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  23. Quai thao
    Còn gọi quai tua, phần quai để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón.

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

  24. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  25. Dịch Đồng
    Một làng nay thuộc xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
  26. Cúng ma
    Cách chữa bệnh lạc hậu, mê tín dị đoan cho rằng phải cúng ma thì mới khỏi bệnh.
  27. Guồng xa
    Máy kéo sợi thủ công để tạo nên sợi, từ đó mới đưa qua khung cửi và dệt thành vải, thành hàng.

    Quay sợi bằng guồng xa

    Quay sợi bằng guồng xa

  28. Muối dưa
    Trộn một hoặc nhiều loại rau, củ, quả với muối và một số gia vị rồi để lên men cho chua, dùng làm thức ăn.

    Dưa cải muối

    Dưa cải muối

  29. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  30. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng