Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  2. Phản
    Bộ ván dùng để nằm hoặc ngồi như giường, chõng, thường từ 1-3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân vững chãi. Có một số loại phản khác nhau như phản gõ (còn gọi là "bộ gõ" hay "ngựa gõ" là phản làm bằng gỗ gõ), phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà). Mặt phản không chạm, tiện, chỉ cần cưa, cắt thẳng, bào láng, đánh bóng. Bộ chân đế phản ở các nhà khá giả thì được tiện hình trang trí khá tinh xảo.

    Theo tôn ti trật tự ngày xưa, ngồi phản phải xét ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi phản nào cũng được. Bậc trưởng thượng thường ngồi giữa phản, vai vế thấp hơn ngồi ở mé bên. Tương tự, chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa, đặt ngay chính giữa nhà. Vai vế thấp hơn phải ngồi phản chái đặt ở gian chái tây hướng ra vườn.

    Phản gỗ

    Phản gỗ

  3. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  4. Kinh Thi
    Một trong Ngũ Kinh, gồm 311 bài thơ vô danh được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, chia làm ba bộ phận lớn là Phong, Nhã và Tụng. Nguồn gốc các bài thơ trong Kinh Thi khá phức tạp, gồm cả ca dao, dân ca và nhã nhạc triều đình, với các tác giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đương thời.
  5. Mạnh Tử
    Một nhà triết học Trung Quốc vào thời Chiến Quốc. Ông tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, sinh năm 372 TCN vào đời vua Liệt Vương, nhà Chu, quê gốc ở đất Trâu, thuộc nước Lỗ. Ông là học trò xuất sắc Khổng Tử, và được đời sau xem là ông tổ thứ hai của Nho giáo, được tôn là Á thánh (chỉ sau Khổng Tử).

    Tranh vẽ Mạnh Tử

    Tranh vẽ Mạnh Tử

  6. Chi rứa
    Gì thế (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Thiệt
    Thật (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ này được đọc trại ra như vậy do kị húy bà vương phi Lê Thị Hoa (được vua Gia Long đặt tên là Thật).
  9. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  10. Tứ thời
    Bốn mùa (từ Hán Việt).
  11. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  12. Bún thang
    Một món ăn cầu kì, được coi là đặc sản của Hà Nội. Để nấu bún thang cần có khoảng 20 nguyên liệu, trong đó có bún, thịt gà xé nhỏ, giò lụa, trứng tráng thái chỉ, ruốc tôm, củ cải khô, hành, rau răm... Nước dùng được nấu từ nước luộc gà, nước ninh xương ống và một con mực khô. Khi ăn người ta trần bún, xếp các nguyên liệu lên và chan nước dùng, có thể thêm một chút tinh dầu cà cuống hay mắm tôm.

    Bún thang

    Bún thang

  13. Bún chả
    Một món ăn phổ biến ở miền Bắc, được coi là đặc sản của Hà Nội. Bún chả gồm có bún tươi ăn kèm với chả viên, chả miếng nướng trên bếp than củi và rau sống. Nước chấm là nước mắm pha loãng, có đầy đủ gia vị chua cay mặn ngọt, cùng với su hào hoặc đu đủ xanh và cà rốt trộn dấm.

    Bún chả

    Bún chả

  14. Kẹo vừng
    Loại kẹo được làm từ đường kính và mạch nha nấu chảy, trộn với vừng đã rang thơm, cán mỏng và cắt thành thanh, bên ngoài phủ một lớp mỏng bột nếp rang. Kẹo vừng ngọt, giòn và bùi ngậy, là đặc sản ở Nam Định.
  15. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  16. Trực tiết
    Cái đốt cây tre thẳng (từ Hán Việt). Nghĩa bóng chỉ lòng ngay thẳng.
  17. Có bản chép là "trạch" nhưng là do nói trại âm. Chạch là một loài cá thân tròn, da mỏng và trơn. Vảy nhỏ, nằm sâu dưới da nên khó thấy, khiến nhiều người tưởng cá chạch là da trơn, không vảy. Cá chạch thường sống trong các môi trường nước ngọt và nước lợ có lớp đáy mềm. Ở nước ta, phổ biến hai loại chạch sông và chạch bùn (chạch đồng). Cá chạch thường được dùng làm thực phẩm hoặc thuốc.

    Cá chạch nằm trên đá

    Cá chạch nằm trên đá

  18. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  19. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  20. Văn vi
    Lời nói (văn) và việc làm (vi) (từ Hán Việt).
  21. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  22. Khuê Cầu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Khuê Cầu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  23. Đánh quay
    Một trò chơi dân gian rất phổ biến trước đây. Người chơi dùng một sợi dây quấn quanh con quay, sau đó bổ (lăng, giật) thật nhanh để con quay xoay càng nhiều vòng trước khi đổ càng tốt. Con quay có thể làm bằng gỗ, sừng, chũm cau, hạt nhãn, hạt vải, hạt mít, đất sét...

    Ngày xưa vào những ngày lễ Tết thường tổ chức đánh quay, có thể có tranh đua ăn tiền.

    Tùy theo địa phương mà trò này có các tên khác là đánh vụ, đánh gụ hoặc đánh cù. Con quay cũng có các tên tương ứng là bông vụ, con gụ hoặc con cù.

    Đánh quay

    Đánh quay

  24. Áo cổ kiềng
    Một loại áo ngắn tương tự như áo bà ba ở miền Nam, cổ áo ôm sát cổ và được may viềng nẹp như cái kiềng, nên có tên gọi như vậy.
  25. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  26. Cố
    Giao tài sản (đồ đạc, ruộng đất...) cho người khác để làm tin.
  27. Ninh Diêm
    Một làng muối thuộc khu vực bán đảo Hòn Khói, tỉnh Khánh Hòa.

    Đồng muối Ninh Diêm

    Đồng muối Ninh Diêm

  28. Trang
    Đồ bằng gỗ, được đóng hoặc treo trên tường, chỗ cao ráo, trang trọng để thắp nhang, đặt bình hoa và các vật phẩm khác để thờ cúng ông bà tổ tiên.
  29. Phú Gia
    Tên nôm là làng Gạ, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Gạ có nghề truyền thống nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê...
  30. Bánh trôi nước
    Một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, hình tròn, nhân đường phèn, trên rắc vừng hoặc sợi dừa nạo. Bánh trôi cùng với bánh chay thường được ăn trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.

    Ở miền Nam có một món ăn tương tự là chè trôi nước (cũng gọi là chè xôi nước), nhưng nhiều nước đường hơn, có khi cho thêm nước cốt dừa.

    Bánh trôi nước

    Bánh trôi nước

  31. Phú Xá
    Tên nôm là làng Sù, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Sù xưa nổi tiếng nghề làm bún và trồng đào. Mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng được táng ở đây.
  32. Hát ghẹo
    Kiểu hát đối đáp, giao duyên nam nữ, giữa trai gái dân tộc Việt và Mường. Đây là một trong những loại hình dân ca ra đời sớm nhất ở nước ta và được coi là “đặc sản” của nơi quê hương đất Tổ Phú Thọ.
  33. Hát ví
    Lối hát giao duyên nam nữ phổ biến ở vùng Nghệ Tĩnh, xưa kia thường dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái.
  34. Lã Bố
    Cũng gọi là Lữ Bố, tự là Phụng Tiên, một tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ở nước ta, Lã Bố được biết tới chủ yếu qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, trong đó ông là một đại tướng vô cùng dũng mãnh, cưỡi ngựa Xích Thố, cầm phương thiên họa kích, có sức mạnh hơn cả Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân... Ông cũng được mô tả là một người khôi ngô tuấn tú, sánh cùng đại mĩ nhân là Điêu Thuyền.

    Lã Bố (đồ họa vi tính)

    Lã Bố (đồ họa vi tính)

  35. Chế
    Chị, cách gọi ở một số địa phương vùng Tây Nam Bộ (như Bạc Liêu, Cà Mau), gốc từ tiếng của người Tiều Châu.
  36. Điêu Thuyền
    Một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc. Sắc đẹp của Điêu Thuyền được ví như "bế nguyệt" (khiến trăng xấu hổ phải giấu mình đi). Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Vương Doãn lập kế gả Điêu Thuyền cho Đổng Trác hòng li gián Trác với con nuôi là Lã Bố, kết cục Lã Bố giết Đổng Trác rồi sau lại bị Tào Tháo giết chết. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhân vật Điêu Thuyền trong lịch sử vẫn còn nhiều hoài nghi.

    Điêu Thuyền

    Điêu Thuyền