Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nái
    Giống cái, từ dùng cho các loài gia súc nuôi để cho đẻ: lợn nái, trâu nái.
  2. Bồ câu
    Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.

    Chim bồ câu

    Chim bồ câu

  3. Hàm Rồng
    Tên một ngọn núi nằm trong dãy Ngũ Hoa Phong nằm bên bờ sông Mã, có dáng như đầu rồng. Tên Hàm Rồng cũng được đặt cho một cây cầu ở khu vực này, đồng thời là tên của một phường thuộc thành phố Thanh Hóa hiện nay.
  4. Chùa Tây Phương
    Tên chữ là Sùng Phúc Tự (崇福寺), là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo nhiều thông tin còn lưu giữ lại thì chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, trong đó có bộ tượng 16 vị La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau.

    Các vị La Hán chùa Tây Phương
    Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
    Há chẳng phải đây là xứ Phật,
    Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

    (Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

  5. Khêu dục
    Khêu gợi lòng ham muốn.
  6. Chung
    Chuông (từ Hán Việt).
  7. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  8. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  9. Bóng thờ vua có thể hiểu là hình vẽ về một ông vua, dùng dể thờ, hoặc là cách nói của bà già chỉ việc con mình được chọn làm lính ở cung để hầu hạ phục dịch vua chúa.
  10. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
  11. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  12. Hoa chuối

    Hoa chuối

  13. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  14. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  15. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  16. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  17. Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hằng năm từ mùng 4 đến mùng 7 có hội đua ghe hàng năm, sau đó là hội dội bòng. Người ta xây một lễ đài để làm lễ gọi là “nhà trò,” trước nhà trò trên bãi biển rộng, ở hai đầu bãi dựng hai cây tre có ngọn, cao chừng 4 mét, trên mỗi cây tre có treo một giỏ tre, trong khi diễn ra cuộc chơi thì hai phe cử hai người giữ hai cột tre của nhau, để mỗi khi quả bòng được dồi vào thì cố lắc mạnh để quả bòng khó lọt được vào giỏ tre, nếu người phe nào giành được quả bòng và ném lọt vào giỏ tre của phe mình là xem như thắng cuộc.
  18. Bước trờ
    Bước bất thình lình, vô ý.
  19. Đôi
    Ném, liệng (phương ngữ).
  20. Màu
    Hoa màu, những giống cây trồng làm lương thực (trừ lúa).
  21. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  23. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  24. Đập Đá
    Tên một con đập nổi tiếng của Huế, bắt ngang qua một nhánh sông Hương, ngăn cho dòng nước từ thượng lưu không chảy về phía hạ lưu và ngăn nước mặn từ biển Thuận An chảy vào các cánh đồng lúa.

    Đập Đá

    Đập Đá

  25. Công sứ
    Chức danh cai trị của người Pháp trong thời kì Pháp thuộc, đứng đầu một tỉnh.
  26. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  27. Chợ An Cựu
    Một ngôi nằm bên bờ Bắc sông An Cựu, xưa thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà, nay thuộc phường Phú Hội, thành phố Huế. Trước đây, chợ có tên là chợ Đường Ngang vì nó nằm trên một trong những đường ngang thẳng góc với sông Hương. Chợ có từ thời Minh Mạng. Năm 1835, khu vực chợ được dùng để dựng Nam Trường Đình, về sau có người Hoa buôn bán đông đúc. Nay chợ vẫn là một trong những chợ sầm uất ở phía Nam thành phố Huế.

    Chợ An Cựu ngày nay

    Chợ An Cựu ngày nay

  28. Vị trí chợ An Cựu ngày xưa bây giờ là Nhà Văn hóa trung tâm thành phố Huế. Trước đây, vì gần đó có trại lính Pháp nên người Pháp bắt chợ phải dời đến địa điểm hiện nay.
  29. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  30. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  31. Chợ Cày
    Cũng gọi là chợ Sáng, thuộc thị trấn Cày, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
  32. Chợ Gát
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.