Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  3. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  4. Lao lư
    Day dứt, xót xa (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Lâm Xuyên
    Còn gọi là làng Lầm, một làng nay thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng trước có nghề dệt vải vuông, nhưng vải xấu.
  6. Lý Sơn
    Địa danh nay là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cụm đảo gồm Lý Sơn (tên dân gian là cù lao Ré), hòn Bé (cù lao Bờ Bãi) nằm ở phía Bắc, và hòn Mù Cu ở phía Đông. Trong số ba đảo này thì cù lao Ré là đảo lớn nhất. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia dân đảo này dùng nhiều dây ré dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Đại Nam nhất thống chí chép: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”.

    Đây là một địa điểm du lịch rất đẹp, đồng thời nổi tiếng với đặc sản gỏi tỏi, được mệnh danh là "vương quốc tỏi."

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

  7. Chùa Hang
    Tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự (Chùa đá trời sinh), một ngôi chùa ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa được xây dựng dưới triều vua Lê Kính Tông. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn. Chùa còn có tên khác do dân gian gọi là "chùa không sư" vì ở đây không có sư trụ trì.

    Chùa Hang ở Lý Sơn

    Chùa Hang ở Lý Sơn

  8. Dưa chuột
    Một giống dưa cho quả vỏ xanh, có nhiều nước, ăn rất mát. Dưa chuột còn là một vị thuốc dân gian, có tác dụng giảm đau, giảm rát họng, làm đẹp da. Ở miền Nam, giống dưa này được gọi là dưa leo.

    Dưa chuột

    Dưa chuột

  9. Cá kèo
    Còn gọi là cá bống kèo, là loài cá phổ biến ở miền Tây Nam Bộ. Cá kèo có đầu nhỏ hình chóp, thân hình trụ dài, dẹp dần về phía đuôi, có màu ửng vàng, nửa trên của thân có chừng 7-8 sọc đen hướng hơi xéo về phía trước, các sọc này rõ dần về phía đuôi. Cá kèo sống chui rúc trong bùn và đào hang để trú. Thịt cá kèo mềm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon như lẩu cá kèo, cá kho tộ, cá kho rau răm, cá kèo nướng....

    Cá kèo nướng ống trúc

    Cá kèo nướng ống sậy

  10. Noọc-man
    Từ tiếng Pháp école normale, nghĩa là trường Sư phạm, đào tạo giáo viên dạy bậc Tiểu học thời Pháp thuộc.
  11. Cối
    Đồ dùng để đâm, giã, xay, nghiền (ví dụ: cối giã gạo, cối đâm trầu, cối đâm bèo).

    Cối đá

    Cối đá

  12. Đông Ba
    Một địa danh ở Huế, vốn là tên dân gian của cửa Chính Đông, kinh thành Huế. Địa danh này gắn liền với chợ Đông Ba, ngôi chợ nổi tiếng nhất của Huế, trước đây tên là Quy Giả thị ("chợ của những người trở về," đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn). Đến năm 1887 vua Đồng Khánh cho xây lại gồm có “đình chợ” và “quán chợ” lấy tên là Đông Ba. Đến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái chuyển chợ Đông Ba về vị trí bây giờ, đình chợ cũ sửa lại làm thành trường Pháp Việt Đông Ba.

    Địa danh Đông Ba thật ra tên cũ là Đông Hoa, nhưng do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa dưới thời Nguyễn mà đổi tên.

    Chợ Đông Ba ngày trước

    Chợ Đông Ba ngày trước

  13. Đập Đá
    Tên một con đập nổi tiếng của Huế, bắt ngang qua một nhánh sông Hương, ngăn cho dòng nước từ thượng lưu không chảy về phía hạ lưu và ngăn nước mặn từ biển Thuận An chảy vào các cánh đồng lúa.

    Đập Đá

    Đập Đá

  14. Vĩ Dạ
    Một địa danh thuộc Huế. Tên gốc của làng là Vĩ Dã, từ cách phát âm của người dân Huế mà dần trở thành Vĩ Dạ. Làng Vĩ Dạ nằm bên bờ sông Hương, phong cảnh thơ mộng, đã đi vào thơ ca nhạc họa, nổi tiếng nhất có lẽ là bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử:

    Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

    Toàn cảnh thôn Vĩ Dạ ngày nay

    Toàn cảnh thôn Vĩ Dạ ngày nay

  15. Ngã ba Sình
    Ngã ba sông nơi gặp nhau giữa sông Hương và sông Bồ trước khi xuôi về phá Tam Giang đổ ra biển. Đây cũng là nơi sinh tụ của nhiều làng nghề như tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên cùng với các hoạt động văn hóa đặc sắc. Video về Ngã ba Sình

    Ngã ba Sình

    Ngã ba Sình

  16. Cải cúc
    Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.

    Cải cúc

    Cải cúc

  17. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  18. Bí đao
    Còn gọi là bí trắng, là một cây họ dây leo, trái được xào, nấu phổ biến ở mọi miền nước ta. Ngoài ra, hạt và quả còn được dùng trong các bài thuốc dân gian.

    Trái bí đao

    Trái bí đao

  19. Thuốc rê
    Thuốc lá sợi được sản xuất theo lối thủ công, khi hút thường phải tự tay vấn thành điếu. Thuốc rê cũng có thể dùng để nhai. Những người nghiện thuốc ngày trước thường đi đâu cũng mang theo một bọc thuốc rê.

    Thuốc rê

    Thuốc rê

  20. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  21. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  22. Sâm banh
    Cũng gọi là sâm-panh, một loại rượu vang nổi tiếng có nguồn gốc từ vùng Champagne của Pháp.
  23. Rượu chát
    Rượu vang, vì có vị chát nên dân ta gọi là rượu chát.
  24. Cô nhắc
    Từ tiếng Pháp Cognac, một loại rượu rất nổi tiếng được sản xuất từ vùng Cognac của Pháp.
  25. La ve
    Cũng gọi là la de theo giọng Nam Bộ, cách phát âm bình dân của la bière, tiếng Pháp nghĩa là bia.

    Nhãn bia Larue dưới thời Việt Nam Cộng Hòa

  26. Phỉ
    Đủ, thỏa mãn. Như phỉ chí, phỉ dạ, phỉ nguyền...
  27. Ngó
    Mầm non của một số loại cây, mọc từ dưới bùn, dưới nước lên.
  28. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  29. Bầu dục
    Còn gọi là quả cật hay quả thận, một cơ quan trong cơ thể người hay động vật, có nhiệm vụ lọc nước tiểu. Bồ dục lợn là một món ăn ngon.

    Bầu dục lợn được chế biến thành món xào

    Bầu dục lợn xào

  30. Của ngon không đến lượt những người dân thường (ngày xưa trong những ngày lễ, người ta được xếp ngồi theo thứ bậc), cũng như cám nhỏ (cám mịn) chỉ dành cho lợn con, còn lợn xề phải ăn cám xấu.
  31. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  32. Quy Nhơn
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  33. Tây Sơn
    Tên cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, đồng thời cũng là tên vương triều được lập ra từ cuộc khởi nghĩa này và kéo dài từ 1788 đến 1802. Khởi nghĩa và vương triều Tây Sơn có công rất lớn trong việc bình định đất nước, chấm dứt thời kì loạn lạc Trịnh-Nguyễn phân tranh, đồng thời giữ vững bờ cõi trước sự xâm lược của quân Thanh. Tây Sơn gắn liền với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  34. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  35. Mi
    Mày, ngôi thứ hai số ít để xưng hô thân mật, suồng sã ở các tỉnh miền Trung.
  36. Nhi
    Mà (tiếng Hán 而).
  37. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  38. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  39. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  40. Săng
    Quan tài.
  41. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.