Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  2. Thất tiết
    Không giữ gìn trinh tiết (từ Hán Việt).
  3. Bất trung
    Không trung thành (từ Hán Việt).
  4. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  5. Miết
    Hoài, mãi (phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ).
  6. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  7. Huệ
    Một loài cây nở hoa rất thơm về đêm. Vì đặc tính độc đáo ấy, huệ còn có tên là dạ lai hương (thơm về đêm). Huệ được dùng nhiều trong việc cúng, lễ mà ít dùng để tặng nhau. Lưu ý phân biệt với hoa huệ tây, còn gọi là hoa loa kèn.

    Hoa huệ

    Hoa huệ

  8. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  9. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  10. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  11. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  12. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  13. Hát hố
    Một loại hình sinh hoạt dân gian phổ biến ở vùng đồng bằng Quảng Ngãi. Người hát có thể hát theo bài sẵn có hoặc ứng tác. Hát hố thường gắn liền với việc đồng áng, sinh hoạt ngày mùa như: tát nước, cuốc đất, đập đất, giã gạo, thu hoạch, chế biến bắp, khoai lang, khoai mì... Mở đầu câu hát là “hố khoan lại hò khoan” rồi ngắt nhịp, lúc lấy hơi hay kết thúc câu hát cũng hô lên “hố khoan lại hò khoan”. Không chỉ một mình người hát mà cả người trong nhóm và khác nhóm đều cao giọng “hố, hò” nâng đỡ câu hát, tạo thành giai điệu.
  14. Rầy
    La mắng (phương ngữ).
  15. Ki
    Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
  16. Chợ Gò Chàm
    Tên một phiên chợ ở Bình Định. Trước đây chợ ở cách thị trấn Bình Định khoảng hai cây số về phía Bắc. Vùng này có tên là xứ Lam Kiều vì trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải, vì vậy chợ có tên chữ là Lam Kiều thị. Đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm, nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò có nhiều mồ mả người Chàm. Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi tên là chợ Bình Ðịnh, hay chợ Thành, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

    Chợ Bình Định ngày nay

    Chợ Bình Định ngày nay

  17. Chợ Giã
    Còn gọi là chợ Quy Nhơn, một phiên chợ ở tỉnh Bình Định, thuộc làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay), cùng với chợ Thị Nại (chợ Quy Nhơn ngày nay) là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư cụ dưới thời nhà Nguyễn.
  18. Chợ Dinh
    Một ngôi chợ nay thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
  19. Chợ Huyện
    Một địa danh nay là làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Chợ Huyện nổi tiếng với món nem chua cùng tên.

    Cổng làng Chợ Huyện

    Cổng làng Chợ Huyện

  20. Nem chợ Huyện
    Nem ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là đặc sản rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  21. Quán Ngỗng
    Một cái chợ ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, sát với huyện An Nhơn, Bình Định. Chợ Quán Ngỗng hình thành từ thời kì người Chàm thành Đồ Bàn sống chung với người Việt, (khoảng thế kỉ 17, 18). Có tên như vậy vì chợ bán nhiều gia cầm.
  22. Gò Chim
    Tên một cái chợ ở thôn Phú Giáo xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, Bình Định. Trước kia chợ nổi tiếng có nhiều thợ bạc khéo tay. Ngày nay chợ vẫn còn hoạt động.
  23. Cầu Chàm
    Tên chữ là Lam Kiều, một địa danh nằm ở phía Bắc Bình Định ngày trước. Tại đây có trồng nhiều cây chàm để nhuộm nên gọi là Cầu Chàm, sau đọc trại ra thành Gò Chàm.
  24. Đập Đá
    Một địa danh nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày xưa đây là vùng sông nước, nhân dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá. Nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng: dệt vải, rèn, đúc đồng, gốm, kim hoàn...

    Hiện nay Đập Đá là một địa điểm du lịch có tiếng của Bình Định.

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

  25. Vũng Nồm
    Địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Xương Lý.

    Vũng Nồm

    Vũng Nồm

  26. Vũng Bấc
    Một địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Hưng Lương.

    Vũng Bấc

    Vũng Bấc

  27. Bà Điểm
    Tên một xã thuộc huyện Hóc Môn, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh. Ngày trước nơi đây nổi tiếng là một trong "mười tám thôn vườn trầu." Về nguồn gốc tên gọi này hiện có ba giả thuyết:

    1. Vào năm 1868, người dân Quảng Bình di cư vào vùng đất miền Nam khai phá, đến đây họ gặp người phụ nữ bán nước bên đường tên là Điểm nên đã dùng chính cái tên này để gọi tên cho vùng đất.
    2. Khi Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc ở vùng này tại nhà một bà lão tên là Điểm.
    3. Theo lí giải của Trương Vĩnh Ký, Bà Điểm là tên của một trong sáu bà vợ của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (thường được gọi là Lãnh binh Thăng), người đã xây dựng cầu Ông Lãnh. Ông mua đất và xây cất sáu cái chợ to, mỗi chợ mang tên một bà vợ. Từ đó, vùng đất có chợ Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn mang tên gọi này.

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

  28. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  29. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  30. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  31. Lê viên
    Rạp hát tuồng (từ Hán Việt). Do bên Trung Quốc thời nhà Đường, vua Đường Minh Hoàng có tài âm nhạc, chọn ba trăm con em nhà nghề vào dạy ở trong vườn lê (lê viên), vì thế ngày nay gọi rạp hát tuồng là lê viên.
  32. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  33. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  34. Trển
    Trên ấy (phương ngữ Trung và Nam Bộ)
  35. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  36. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  37. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  38. Suông
    Thiếu hẳn nội dung quan trọng, gây nên sự nhạt nhẽo: Nấu canh suông (nấu canh chỉ có rau, không thịt cá), uống rượu suông (uống rượu không có thức nhắm)...

    Ðêm suông vô số cái suông xuồng,
    Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông!

    (Đêm suông phủ Vĩnh - Tản Đà)

  39. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  40. Phụ
    Làm trái với lời hẹn ước, hoặc phản lại công ơn hay lòng tin của ai đó. Từ này cũng được dùng để chỉ hành động đối xử tệ bạc với người đã có quan hệ yêu thương gắn bó.
  41. Vong
    Quên (từ Hán Việt).
  42. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  43. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  44. Nhút
    Món dưa muối xổi (muối nhanh, làm ăn ngay trong ngày) làm từ xơ mít hoặc hoa chuối, có thể trộn thành nộm, hoặc nấu canh cá, xào với thịt ba chỉ v.v. Nước ta có nhút mít Thanh Chương (Nghệ An) ngon nổi tiếng.

    Nhút mít

    Nhút mít

  45. Long
    Lỏng ra, rời ra.