Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mai
    Buổi sáng.
  2. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  3. Đại trụ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đại trụ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  4. Chánh tế
    Người phụ trách tế lễ trong các lễ nghi ngày trước.
  5. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  6. Hương án
    Bàn thờ, thường để bát hương và các vật thờ cúng khác.

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

  7. Lễ khai niên
    Lễ cúng đầu năm mới để cầu may mắn, phát đạt.
  8. Ông gia
    Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
  9. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  10. Tôm he
    Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...

    Tôm he

    Tôm he

  11. Theo dân gian, trai và gái sinh vào những ngày này thường có tính cách thái quá, thiếu ôn hòa.
  12. Khao
    (Giọng nói) không trong, không rõ âm, thường do cổ bị khô.
  13. Thổ đồng
    (Giọng nói) trầm và ngân vang.
  14. Bi đông
    Cũng gọi là bình toong, phiên âm từ gốc Pháp bidon, đồ đựng bằng kim loại hoặc nhựa, miệng nhỏ, thân to và hơi dẹt, có nắp đậy bằng cách vặn, dùng đựng nước uống hoặc nói chung các chất lỏng để mang đi.

    Bi đông

    Bi đông

  15. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  16. Phất
    Dán giấy hay lụa phủ lên khung, thường làm bằng tre hoặc gỗ, để tạo thành đồ vật như quạt, đèn lồng, diều.

    Phất quạt lụa (làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội)

    Phất quạt lụa (làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội)

  17. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  18. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  19. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  20. Thúy
    Tên Hán Việt của chim trả (chim bói cá), có bộ lông màu xanh rất đẹp. Ngày xưa lông chim thúy thường làm đồ trang sức cho phụ nữ quý tộc. Loan, thúy thường được dùng tượng trưng cho tình cảm gắn kết nam nữ. Vì vậy, chia rẽ tình cảm nam nữ thì gọi là chia loan rẽ thúy.
  21. Dầm
    Có nơi gọi là chầm, thanh gỗ ngắn, dẹt và to bản dần về một đầu, được cầm tay để chèo thuyền.

    Chèo bằng dầm

    Chèo bằng dầm

  22. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  23. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  24. Ngan
    Còn gọi là vịt Xiêm, ngan dé, ngan cỏ, một giống gia cầm thuộc họ vịt nhưng lớn hơn vịt, đầu có mào thịt đỏ. Tương truyền đây là giống ngan ngày xưa Xiêm La (tên gọi cũ của Thái Lan) mang triều cống nước ta. Thịt ngan được chế biến thành nhiều món ăn ngon như bún ngan, ngan giả cầy, ngan om sấu, ngan nấu măng, v.v.

    Vịt xiêm mái ấp trứng

    Vịt xiêm mái giỏi ấp trứng và giữ con

  25. Trụ Vương
    Tên thật là Tử Thụ, vị vua cuối đời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc, khét tiếng là một ông vua dâm đãng và tàn ác.
  26. Chu
    Một triều đại trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài từ 1122 TCN đến 249 TCN, nối tiếp sau nhà Thương và trước nhà Tần. Đây là triều đại tồn tại lâu nhất của Trung Quốc.
  27. Phản Trụ đầu Châu
    Theo Đại Nam quấc âm tự vị: Trở lòng cùng vua Trụ mà đầu nhà Châu. Bội bạc trở lòng.
  28. Chùa Bảo Tịnh
    Còn có tên là chùa Bửu Tịnh hay chùa Cát, một ngôi chùa cổ ở phường 2, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, được thiền sư Liễu Quán xây dựng vào cuối thế kỉ 17.

    Chùa Bảo Tịnh

    Chùa Bảo Tịnh

  29. Mắt phượng
    Đôi mắt đẹp, to, dài, và hơi xếch lên như mắt phượng hoàng.
  30. Mày ngài
    Đôi lông mày thanh tú, dài và cong như râu con ngài (bướm). Hình ảnh mày ngài cũng được dùng để chỉ người con gái đẹp.
  31. Tính danh
    Họ tên (từ Hán Việt).
  32. Bể dâu
    Từ tiếng Hán thương hải tang điền (biển xanh, nương dâu). Tiếng Việt ta có thành ngữ là bãi bể nương dâu. Theo Thần tiên truyện, tiên nữ Ma Cô nói với Vương Phương Bình rằng "Từ khi được hầu tiếp ông đến nay đã thấy biển xanh ba lần biến thành nương dâu."

    Các từ ngữ bể dâu, bãi bể nương dâu, dâu biển (biển dâu) đều chỉ sự biến đổi, thăng trầm của cuộc đời.

    Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

    (Truyện Kiều)

  33. La Hà Thạch Trận
    Tên một thắng cảnh nằm về phía đông thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 5 km về hướng Nam, gồm bốn ngọn núi đá: Cao Cổ, Đá Chẻ, Voi và Hùm. Tên "La Hà Thạch Trận" (trận địa bằng đá ở La Hà) là do Nguyễn Cư Trinh đặt.

    Di tích Đá Voi thuộc La Hà Thạch Trận.

    Di tích Đá Voi thuộc La Hà Thạch Trận.

  34. Phong trần
    Nghĩa gốc là gió (phong) và bụi (trần), hiểu theo nghĩa rộng là chịu nhiều mưa nắng dãi dầu, gian nan vất vả.

    Bắt phong trần phải phong trần
    Cho thanh cao mới được phần thanh cao

    (Truyện Kiều)

  35. Sa Huỳnh
    Một địa danh thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song vì chữ Hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đọc trại ra thành Sa Huỳnh. Nơi đây nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba cái nôi của nền văn minh Việt Nam cổ xưa, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

  36. Chèo chẹo
    Đòi hỏi điều gì dai dẳng đến nỗi gây khó chịu cho người khác (thường để nói trẻ nhỏ).
  37. Chiền chiền
    Tỏ, rõ, rành rành.

    Hai bên giáp mặt chiền chiền
    Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay!

    (Truyện Kiều)

  38. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  39. Đỏ
    Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
  40. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).